Sau khi sinh là quãng thời gian người phụ nữ cần được nghỉ ngơi, chờ phục hồi sức khỏe. Chính vì vậy, người xưa mới có quan niệm bà đẻ phải "ở cữ" trong 3 tháng, tránh ra ngoài nhiều, hoạt động mạnh.
Tuy đến nay nhiều quan niệm "ở cữ" đã không còn phù hợp nhưng thực tế các bác sĩ cũng khuyên mẹ sau sinh nên dành thời gian nghỉ ngơi, dưỡng sức. Đặc biệt, mẹ cần kiêng "chuyện ấy" trong ít nhất 6-8 tuần để cơ thể được hồi phục và tránh rơi vào tình trạng nguy hiểm như bà mẹ dưới đây.
Chị Hoàng (27 tuổi, sống tại Hồ Bắc, Trung Quốc) sinh bé đầu lòng cách đây không lâu bằng phương pháp sinh mổ. Sau khi xuất viện, vì cả hai bên gia đình đều ở xa và bận rộn không đến giúp đỡ được nên chỉ có hai vợ chồng chị tự mình xoay sở.
Chị Hoàng mới sinh bé đầu lòng cách đây hơn 2 tháng.
Chị Hoàng cũng theo quan điểm hiện đại nên không kiêng cữ gì nhiều. Chị thấy hoàn toàn yên tâm vì vết mổ lành rất nhanh, người khỏe khoắn không có vấn đề gì.
Vậy nhưng khi em bé được hơn 3 tháng tuổi, chị Hoàng bỗng thấy người khó chịu, nôn nao, không muốn ăn uống gì. Những biểu hiện này không khác gì khi chị mới mang bầu.
Hai vợ chồng lập tức gửi con để cùng nhau vào bệnh viện kiểm tra. Tại đây, bác sĩ tiến hành xét nghiệm rồi quay sang nhíu mày nhìn vợ chồng chị Hoàng trách: "Sao anh chị không nhịn nổi thế hả? Lại có bầu 6 tuần rồi đây này. Vừa mới sinh mổ được mấy tháng lại mang bầu, anh có phải muốn lấy mạng vợ mình không?".
Nghe bác sĩ mắng, vợ chồng chị Hoàng chỉ biết nhìn nhau, vừa bối rối vừa hối hận. Thì ra vì thấy cơ thể khỏe mạnh nên chỉ gần 1 tháng sau sinh, khi chồng đòi hỏi "chuyện ấy", chị Hoàng cũng chiều lòng vì nghĩ anh đã phải nhịn suốt 9 tháng vợ mang bầu. Cả hai đều cho rằng vừa mới sinh con còn chưa có kinh nguyệt thì không thể "dính bầu" nên không sử dụng biện pháp tránh thai nào cả. Không ngờ bây giờ lại rơi vào tình huống này.
Bác sĩ cho biết việc mang bầu sớm sau sinh mổ rất nguy hiểm cho cả mẹ và em bé. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ cho biết với tình trạng của chị Hoàng hiện tại, dù bỏ thai hay tiếp tục mang thai đều cực kỳ nguy hiểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé.
Sau khi bàn bạc, vợ chồng chị Hoàng quyết định giữ lại em bé và được bác sĩ giới thiệu đến bệnh viện tuyến trên để được tư vấn chăm sóc và theo dõi thai kỳ bởi những bác sĩ có chuyên môn giỏi và giàu kinh nghiệm hơn.
Những nguy cơ khi mang bầu sớm sau sinh mổ
Nếu mang bầu sớm sau khi sinh mổ, các mẹ có thể sẽ phải đối mặt với hững yếu tố tác động như:.
- Con phải cai sữa
- Mẹ sức khoẻ chưa hồi phục nếu có thai nguy cơ suy dinh dưỡng bào thai.
- Thai chậm phát triển.
- Tử cung chưa được chuẩn bị tốt dễ dẫn đến doạ sảy thai và doạ đẻ non: Trường hợp những phụ nữ mang thai lần 2 cách lần sinh mổ trước dưới 18 tháng, trẻ có thể sẽ bị sinh non, nhẹ cân, vàng da, thính giác kém, kém phát triển về mặt trí tuệ, thể chất khi trẻ lớn lên.
- Nguy cơ chửa trên vết mổ lấy thai cũ: Hiện tượng thai bám vào sẹo của vết mổ lấy thai cũ là một dạng thai ngoài tử cung rất nguy hiểm. Những người đã từng phẫu thuật tử cung sẽ có sẹo ở mặt trước eo tử cung. Trong khi đó, quá trình thụ thai, trứng đã thụ tinh thường bám vào mặt trước tử cung nên có thể xảy ra trường hợp thai bám vào vết sẹo này.
- Nhau cài răng lược: Những trường hợp nhau tiền đạo, nhau bám thấp mặt trước ở những bệnh nhân có sẹo mổ cũ thì nguy cơ bị nhau cài răng lược rất cao. Đối với những trường hợp này khi sinh cần phải mổ lại và còn có nguy cơ phải cắt tử cung, truyền máu. Đôi khi còn có hiện tượng tổn thương những cơ quan lân cận như bàng quang, ruột… do bánh nhau xâm lấn vào những cơ quan này.
- Nếu thai to nguy cơ nứt vết mổ và vỡ tử cung cao: Nứt sẹo mổ cũ là một tai biến sản khoa, thường gặp ở những thai phụ từng phẫu thuật lấy thai với đường mổ dọc thân tử cung, phẫu thuật bóc tách nhân xơ tử cung, phẫu thuật khâu tử cung vỡ, thủng tử cung sau nạo phá thai…
Ngoài các biến chứng nguy hiểm trên, thai phụ cũng có thể gặp phải nguy cơ vết mổ bị nhiễm trùng, nhau tiền đạo, nhau bong non, xuất huyết…