Xung quanh chuyện mang bầu và sinh con, có vô vàn câu chuyện bí ẩn, khó có thể giải thích, chẳng hạn như một cặp sinh đôi cùng mẹ nhưng khác cha. Thế nhưng, bạn sẽ còn bất ngờ hơn nữa nếu biết đến câu chuyện của những "chimera", những người mẹ tự mình mang thai, sinh con, nhưng lại hóa ra chỉ là "dì/ cô" của con ruột mình về mặt sinh học, hay những người cha ruột chỉ được xác định là "bác ruột", thậm chí là "ông" của con mình trong kết quả xét nghiệm DNA.
Vợ sinh con trai kháu khỉnh, chồng xét nghiệm bé mang gen của... "chú"
Ngày 20/12/2020, trang The Paper đưa tin về một câu chuyện vô cùng kỳ lạ của cặp vợ chồng. Theo đó, cặp vợ chồng trẻ ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã thụ tinh nhân tạo và sinh ra một đứa con khỏe mạnh. Tuy nhiên, trong một số xét nghiệm ADN cho thấy, đứa trẻ mang trong người ADN của chú.
Cặp vợ chồng hiếm muộn rất vui mừng khi đón được con trai đầu lòng. (Ảnh minh họa)
Được biết, Tiểu Lý và Tiểu Hoàng (tên nhân vật đã được thay đổi) đã kết hôn nhiều năm nhưng dù làm cách nào thì Tiểu Lý vẫn không thể mang thai. Cả hai vợ chồng sợ rằng sau này già đi không có con cháu bên cạnh sẽ rất cô đơn, nên họ quyết định thụ tinh trong ống nghiệm. May mắn thay, lần thụ tinh này vô cùng thành công, và một bé trai kháu khỉnh ra đời.
Thế nhưng, sau khi đứa trẻ được sinh ra, bác sĩ cho biết nhóm máu của đứa bé không giống với nhóm máu của bố mẹ. Theo kết quả giám định cho thấy, đứa trẻ đúng là do mẹ sinh ra, nhưng bố lại không phải là Tiểu Hoàng, khi so sánh nhiều hơn thì khả năng bố là người chú.
Nghe đến đây Tiểu Hoàng càng thêm hoang mang vì mình vốn là con một trong nhà, không hề có em trai. Thêm nữa em bé được thụ tinh ống nghiệm, lấy trực tiếp tinh trùng từ anh thì sao có thể xuất hiện "người thứ 3".
Bác sĩ giải thích về trường hợp của vợ chồng Tiểu Hoàng.
Về vấn đề này, bác sĩ Mã Hiểu Yến, khoa Pháp y bệnh viện trường Cao đẳng Y tế Quảng Châu cho biết, đây có thể là trường hợp chimera rất hy hữu trong di truyền học, tức là ông bố Tiểu Hoàng mang ADN của hai người trong cơ thể.
Bác sĩ Mã nói thêm, có thể khi còn trong bụng mẹ, Tiểu Hoàng có một người anh em song sinh, nhưng phôi thai của người anh em này không phát triển. Vì vậy, Tiểu Hoàng được sinh ra với ADN của hai người, và Tiểu Hoàng đã truyền ADN của "người anh em song sinh" cho con trai mình.
Mang nặng đẻ đau suốt 9 tháng, mẹ tá hỏa khi mình chỉ là "dì" của con ruột
Lydia Fairchild là một trường hợp nổi tiếng khác về chimera. Sau khi li hôn chồng vào năm 2002, Lydia nộp đơn xin trợ cấp nuôi con. Cùng thời điểm đó, cô cũng đang mang bầu em bé thứ ba.
Hồ sơ trợ cấp nuôi con buộc cô phải chứng minh mối quan hệ mẹ con của mình, vì thế, cô nộp mẫu ADN của mình và các con để làm xét nghiệm ADN. Thế nhưng, kết quả khiến cô không khỏi bất ngờ, mặc dù chồng cô được xác nhận là cha của các đứa bé về mặt di truyền, kết quả lại chứng minh cô không phải là mẹ của các con mình.
Điều này thực sự không thể tin được, bởi Lydia đã mang thai và sinh con của mình hoàn toàn bình thường. Suốt 9 tháng 10 ngày, chịu bao đau đớn để sinh ra, đó là sự thật, thế nhưng, xét nghiệm ADN vốn luôn được coi là căn cứ khoa học chính xác nhất để xác định mối quan hệ ruột thịt. Thậm chí, chính em bé đang nằm trong bụng Lydia, qua kết quả xét nghiệm, cũng không phải là "con" của cô, mà là "cháu" của cô về mặt sinh học.
Tự mình mang thai nhưng về gen cô lại chỉ là dì của con.
Sau đó, các chuyên gia đã giải thích Lydia gặp hiện tượng loạn gen, gây ra bởi "hội chứng biến mất song sinh". Nói cách khác, ban đầu, Lydia thuộc một cặp song sinh, tuy nhiên, vì một lí do nào đó mà bỗng dưng "giảm xuống" chỉ còn một em bé. Khi đó, một phôi thai không còn tồn tại nữa, nhưng các tế bào của phôi lại bị hấp thụ bởi phôi còn lại và mẹ. Phôi còn sống sót kết hợp các tế bào từ phôi đã biến mất vào các tế bào của mình, và phát triển thành một em bé chimera.
Thực tế, dù là thai đôi, mỗi phôi thai đều mang cấu trúc gen khác nhau. Chính vì thế, khi một phôi thai "biến mất" và bị hấp thụ bởi phôi thai còn lại và cơ thể mẹ, tồn tại trong buồng trứng và các cơ quan khác. Dù vậy, máu của Lydia vẫn mang bộ gen cố định của cô. Chính vì thế, vô tình khi xét nghiệm ADN bằng máu, cô đã trở thành dì về mặt sinh học của chính con ruột của mình.
Chimera là gì?
Hiện tượng chimera sẽ xuất hiện trong quá trình thụ thai đôi. Hai phôi thai sẽ có cấu trúc di truyền khác nhau, nhưng vì một lý do nào đó lại kết hợp thành một trong thời kỳ đầu, hoặc do một phôi bào thoái hóa nên bị phôi còn lại hấp thụ.
Chimerism là hiện tượng loạn gen, thường xảy ra trong quá trình mang thai đôi. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, không phải toàn bộ cấu trúc di truyền ấy sẽ được đồng hóa, vì có quá nhiều nguyên liệu gen sẽ khiến đứa trẻ tử vong. Thay vào đó, một số tế bào sẽ lẩn khuất bên trong bào thai còn sót lại mà không bị đào thải. Và thế là đứa trẻ sinh ra sẽ có đến 2 cấu trúc di truyền, 1 của đứa trẻ sống sót, 1 của người anh em song sinh.
Chimera là một tình trạng bệnh lý di truyền rất hiếm gặp. Ước tính chỉ có 100 trường hợp trên thế giới từng được ghi nhận mắc tình trạng này.
Mặc dù tuần hoàn máu của mẹ và thai nhi bị tách rời trong quá trình mang thai nhưng một số tế bào của mẹ vẫn có thể xâm nhập vào cơ thể em bé qua nhau thai, và em bé cũng có thể lấy một phần ADN của mẹ.