Đây chính là một loại hoa cẩm tú cầu, nhưng có vẻ ngoài khác biệt. Vẻ ngoài của nó trông giống như một que kem khổng lồ, có màu hồng dâu trông rất bắt mắt. Chính vì vậy loại hoa này được gọi là cẩm tú cầu hồng dâu, cẩm tú cầu dâu tây.
Hoa cẩm tú cầu dâu tây là loại cây bụi thân gỗ, cao khoảng 80-150cm, tốc độ sinh trưởng nhanh. Sau mùa thu, hoa sẽ chuyển dần sang màu nâu đỏ cho đến khi nhiệt độ giảm xuống rồi tàn.
Vì là một loại của hoa cẩm tú cầu nên tú cầu dâu tây cũng đại diện cho sự thịnh vượng và giàu có. Ngoài ra, hoa cẩm tú cầu còn tượng trưng cho lòng biết ơn và tình yêu chân thành.
Cách chăm sóc hoa cẩm tú cầu dâu tây
- Đất tơi xốp và màu mỡ
Cây cẩm tú cầu dâu tây khá cao, sinh trưởng nhanh, đất cần tơi xốp, màu mỡ và sâu. Nếu tầng đất mỏng, nghèo dinh dưỡng thì bộ rễ kém phát triển, cây yếu, ít hoa, hoa nở ra trông cũng rất xấu xí, màu sắc nhạt.
Khi trồng hoa cẩm tú cầu dâu tây, bạn có thể trộn đất vườn với mùn lá, phân chuồng, phân hữu cơ.
- Không trồng ở nơi có nhiều ánh nắng
Môi trường nắng dài, nhiệt độ chênh lệch ngày đêm lớn dễ khiến hoa cẩm tú cầu dâu tay chuyển sang màu đỏ. Vì vậy khi trồng cẩm tú cầu dâu tay nên chọn nơi có ánh nắng tán xạ, bóng râm, tuy nhiên vào mùa hè chú ý không nên để cây phơi nắng vì dễ bị cháy lá và rụng lá.
Vị trí tốt nhất để trồng hoa cẩm tú cầu là khu vườn phía Bắc, hoặc trồng dưới gốc cây hoặc tường. Những vị trí này có ít ánh nắng, buổi trưa và chiều còn có ít bóng mát.
- Cung cấp đủ nước và phân bón
Hoa cẩm tú cầu dâu tây phải có đủ nước và phân bón thì cây mới ra nhiều hoa. Nguyên nhân là vì hoa cẩm tú cầu ưa ẩm, bạn cần thường xuyên tưới nước để luôn giữ được độ ẩm cho cây. Đặc biệt khi thấy cây héo lá, phải lập tức tưới nước ngay để cây hồi sức và không làm giảm khả năng ra hoa.
Với hoa cẩm tú cầu, không nên sử dụng quá nhiều phân bón vô cơ vì nó sẽ khiến lá phát triển hơn, làm giảm khả năng ra hoa của cây. Thay vào đó, bạn nên sử dụng phân hữu cơ để giúp đất ẩm và mát mẻ, bổ sung chất dinh dưỡng cho cây và cải thiện cấu trúc của đất.
Vào mùa xuân, nên bổ sung phân đạm là chính. Bắt đầu từ tháng 5, nên bón phân lân và kali để thúc đẩy cây ra hoa. Ngoài ra cứ khoảng 7 - 10 ngày, bạn hãy pha loãng phân hữu cơ như đạm cá, dịch chuối để phun qua lá.
- Cắt tỉa thường xuyên
Sau khi hết mùa hoa, cần tiến hành cắt bỏ những hoa đã héo, chuẩn bị tàn, hay cắt những cành mọc quá cao. Cắt ở đốt lá thứ 6 đếm từ hoa xuống gốc, hoặc tùy vào chiều cao của cây mà cắt tỉa cho phù hợp. Tuy nhiên, bạn nên chừa lại những cành mùa trước không có hoa để ra hoa vào mùa sau.
Bên cạnh đó, sau khi cắt tỉa cành bạn nên bón một ít phân cho cây, tưới nước thật kỹ rồi phủ kín gốc bằng rơm rạ để giữ ấm cho cây, giúp cây vượt qua mùa đông. Vào mùa xuân khi thời tiết ấm áp hơn, hãy lấy rơm ở gốc ra, tưới nước và bón phân cho cây như bình thường.