Vào mùa đông chúng ta thường bị “giật điện” khi chạm vào các đồ vật bằng kim loại, người xung quanh hay vật nuôi. Hoặc nghe tiếng kêu "tách tách" khi chạm vào đồ vật nào đó, hoặc tóc bị dựng ngược lên khi tháo bỏ mũ, nón ra, quần áo bám rịt vào người,... Tất cả những hiện tượng đó đều gọi là tĩnh điện, thường xảy ra vào mùa đông, đặc biệt là ở những vùng có khí hậu lạnh và khô.
Sở dĩ có hiện tượng tĩnh điện là do thiếu độ ẩm cần thiết cho điện tĩnh duy trì sự cân bằng. Hiện tượng này mặc dù không quá đau, không hề gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, nhưng nó có thể gây tê phần tiếp xúc tĩnh điện như đầu ngón tay, bàn chân,... Đồng thời gây ra cảm giác sợ hãi cho nhiều người khi chạm vào một thứ gì đó bất kỳ.
Để hạn chế bị “điện giật” do hiện tượng tĩnh điện vào mùa đông, bạn có thể áp dụng những mẹo sau:
1. Chạm chìa khóa vào tay nắm cửa trước khi mở cửa
Nhiều người sẽ bị “điện giật” khi chạm vào tay nắm cửa, đồ vật kim loại. Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy lấy chìa khóa chạm vào tay cầm trước. Việc này có thể chuyển điện tích sang chìa khóa, giúp loại bỏ tĩnh điện trên tay nắm cửa, giúp bạn không bị “điện giật” khi mở cửa nữa.
Ngoài ra, bạn cũng có thể chạm tay vào tường rồi mở cửa để tránh tình trạng bị “điện giật”.
Dùng chìa khóa chạm vào tay nắm cửa trước khi mở cửa có thể giảm hiện tượng tĩnh điện, nhờ đó bạn sẽ không bị "giật điện" nữa. (Ảnh minh họa)
2. Sử dụng máy tạo độ ẩm
Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng tĩnh điện là không khí khô. Vì vậy, bạn có thể sử dùng máy tạo độ ẩm để giải quyết vấn đề này. Khi cả căn phòng được cấp ẩm, tình trạng tĩnh điện cũng sẽ ít xảy ra.
3. Mang giày và quần áo ít tĩnh điện
Thủ phạm phổ biến khác gây ra hiện tượng tĩnh điện chính là quần áo, giày dép. Cụ thể là giày đế cao su, đồ len (áo len, mũ len, khăn len,…) đều tạo ra môi trường lý tưởng cho việc tích tụ điện trong người.
Điều tương tự cũng xảy ra với nylon và polyester. Cho nên vào mùa đông, bạn nên đi giày bằng cotton và da, mặc quần áo từ sợi tự nhiên nếu không muốn tình trạng “điện giật” xảy ra liên tục.
Mặc đồ len sẽ khiến cơ thể con người bị tích điện nhiều hơn. (Ảnh minh họa)
4. Dùng móc treo chà lên áo
Trước khi mặc áo khoác hoặc áo len, hãy lấy một cái móc treo quần áo bằng thép chà lên áo. Việc này sẽ giúp trung hòa tĩnh điện, giải quyết được vấn đề tích điện, nhờ đó bạn sẽ không bị tiếng tanh tách hay “giật điện” nữa.
5. Thêm bột baking soda vào khi giặt đồ
Baking soda đóng vai trò như một rào cản giữa điện tích âm và dương, giúp chúng không tạo ra tĩnh điện. Trong quá trình giặt giũ, bạn hãy thêm một ít bột baking soda vào để giảm hiện tượng tĩnh điện xảy ra trên quần áo, tránh điện tích truyền vào có thể khi mặc đồ. Sử dụng chất làm mềm vải cũng có thể giảm hiện tượng tĩnh điện.
Ngoài ra, bạn cũng có thể cho thêm giấy thơm (dryer sheet, một loại giấy mỏng, thường được dùng trong quá trình sấy khô quần áo) vào máy sấy. Không chỉ có tác dụng làm mềm sợi vải, giấy này còn giúp cân bằng điện tích trong quá trình sấy khô quần áo và ngăn chặn sự tích tụ điện tích truyền vào cơ thể.
Nên thêm bột baking soda vào máy giặt khi giặt đồ để giảm hiện tượng tĩnh điện xảy ra trên quần áo, tránh điện tích truyền vào có thể khi mặc đồ. (Ảnh minh họa)
6. Thoa kem dưỡng ẩm thường xuyên
Kem dưỡng ẩm không chỉ giúp làn da của bạn mềm mượt, tươi sáng hơn mà còn giúp tay giữ được độ ẩm thích hợp, từ đó tránh được hiện tượng gây tĩnh điện trong điều kiện thời tiết hanh khô.
7. Xịt dung dịch kem dưỡng da tay lên quần áo
Mùa đông khi mặc đồ, quần áo thường bám rịt vào người do hiện tượng hấp thụ tĩnh điện. Để khắc phục vấn đề này, bạn có thể lấy kem dưỡng da tay cho vào bình xịt, thêm một lượng nước ấm vào và lắc đều.
Xịt trực tiếp vào mặt trong của quần áo, hoặc xịt trực tiếp đều lên da. Sau đó mặc đồ như bình thường, bạn sẽ cảm nhận được sự khác biệt ngay.
8. Xử lý bề mặt thảm
Điện tích trong thảm có thể gây "giật điện”, nổ tanh tách khi bạn đi ngang qua chúng. Để tránh hiện tượng này, hãy phun chất chống tĩnh điện lên bề mặt thảm để ngăn điện tích tích tụ.
Bạn có thể phun chất chống tĩnh điện lên bề mặt thảm để ngăn điện tích tích tụ. (Ảnh minh họa)
9. Trồng cây xanh trong nhà
Trồng cây canh không chỉ giúp không gian sống sinh động hơn, gần gũi với thiên nhiên hơn mà còn có tác dụng thanh lọc không khí, tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, một số loại cây xanh còn có thể làm tăng độ ẩm tự nhiên và giảm tĩnh điện, chẳng hạn như cây trường sinh, cau cảnh, lưỡi hổ,…