Theo Medical Xpress, nhà nghiên cứu Hugo Zeberg từ Viện Nhân chủng học tiến hóa Max Planck (MPI-EVA, Đức) và Viện Karolinska (Thụy Điển) tiếp tục công bố phát hiện mới về một nhóm gene, hay còn gọi là halotype (kiểu gene đơn bội), mà một số người hiện đại Homo sapiens chúng ta thừa hưởng từ loài người tuyệt chủng Neanderthals có thể giúp giảm nguy cơ nhiễm HIV lên tới 27%.
Kết quả vừa được công bố trên tạp chí khoa học PNAS.
Phân tích DNA trong phòng thí nghiệm - Ảnh: MPI-EVA
Đáng nói, đó cũng là các halotype từng được tiến sĩ Zeberg và các cộng sự kết luận là làm tăng nguy cơ COVID-19 chuyển nặng và suy hô hấp, trong một nghiên cứu được công bố vào tháng 9 năm ngoái trên Nature.
Nhóm gene này được tìm thấy trong 16% dân số ở châu Âu, một nửa dân số Nam Á, trong khi hầu như không tồn tại ở cộng đồng châu Phi và Đông Á.
Tỉ lệ phổ biến của nhóm gene này cao nhất ở Bangladesh, nơi có tới 63% dân số mang bản sao của halotype này. Trước đó một nghiên cứu từ Anh cũng cho thấy người dân Bangladesh có nguy cơ tử vong với COVID-19 cao gấp đôi so với dân số thế giới nói chung.
Yếu tố di truyền này nằm ở vùng trên nhiễm sắc thể số 3 bao gồm nhiều gene, có một số gene trong vùng lân cận của nó mã hóa các thụ thể trong hệ thống miễn dịch. Một trong các thụ thể này là CCR5 - được virus HIV sữ dụng để lây nhiễm các tế bào bạch cầu, tức càng có ít CCR5, nguy cơ đối với HIV càng thấp. Tiến sĩ Zeberg phát hiện ra rằng những người mang yếu tố nguy cơ mắc COVID-19 nặng có ít CCR5 hơn.
Kết quả phân tích dữ liệu hàng triệu người từ 3 ngân hàng sinh học lớn trên thế giới là FinnGen, UK Bionbank và Michigan Genomic Intiative đã xác định điều này. "Điều này cho thấy một biến thể di truyền có thể vừa là tin tốt, vừa là tin xấu" - tiến sĩ Zeberg kết luận.
Người Neandethals và tổ tiên Homo sapiens chúng ta đã được nhiều nghiên cứu chứng minh là nảy sinh nhiều cuộc hôn phối dị chủng trước khi họ tuyệt chủng vào khoảng 30.000-40.000 năm trước.