Khẩu vị của người Việt Nam thiên về những món đậm đà để ăn cùng với cơm trắng, do đó trong gian bếp của các gia đình thường không thể thiếu các loại gia vị quen thuộc từ nước mắm, xì dầu, tương ớt, muối, đến các loại gia vị kém phổ biến hơn như mì chính, đường hóa học.
Trong đó, đường và muối là 2 loại gia vị phổ biến nhất nhưng cũng được cảnh báo nhiều nhất về nguy cơ gây hại cho sức khỏe nếu tiêu thụ quá nhiều. Chế độ ăn thừa muối sẽ làm tăng nguy cơ suy tim, suy thận, tăng huyết áp, thậm chí tăng nguy cơ ung thư dạ dày. Còn việc tiêu thụ quá nhiều đường sẽ gây béo phì, giảm trí nhớ, bệnh tim, tổn thương gan...
2 loại gia vị tiềm ẩn nguy cơ nhiều bệnh nếu không dùng đúng cách, dùng loại kém chất lượng
1. Xì dầu
Xì dầu có vị ngọt hơn nước mắm nhưng sự thật là lượng muối có trong xì dầu tương đối nhiều. Theo Sohu, tiêu thụ 6ml xì dầu tương đương 1g muối. Do đó, xì dầu chính là "sát thủ giấu mặt" của bệnh cao huyết áp, bệnh tim hay bệnh gan.
Ngoài ra, nguyên liệu để sản xuất xì dầu phần lớn là đậu nành, có chứa nhiều isoflavones. Chất này tuy rất tốt cho cơ thể nhưng không nên lạm dụng. Tiêu thụ quá nhiều isoflavones có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh lý cả nam và nữ, ngăn chặn quá trình sản xuất estrogen và thay đổi nội tiết tố trong cơ thể con người.
Một lưu ý nữa đó là trên thị trường có bán không ít loại xì dầu không rõ nguồn gốc. Hội đồng Người tiêu dùng Hồng Kông trước đây từng phát hiện trong các mẫu xì dầu kém chất lượng có chứa nhiều tạp chất, trong đó nguy hiểm nhất là Methylimidazole (4-MEI) - một chất gây ung thư.
Chính vì thế, việc ham rẻ sử dụng các loại xì dầu không rõ nguồn gốc thực sự rất nguy hiểm. Khi lựa chọn xì dầu, bạn cần kiểm tra danh sách thành phần và chọn sản phẩm có ít phụ gia thực phẩm để chế độ ăn uống lành mạnh hơn. 5g muối tương đương 7 thìa cà phê xì dầu, do đó mỗi ngày bạn chỉ nên tiêu thụ ít hơn 7 thìa.
2. Đường hóa học
Đường hóa học là một chất tạo ngọt nhân tạo, có độ ngọt gấp vài chục, thậm chí hàng ngàn lần so với đường tự nhiên. Đường hóa học có ưu điểm là giá thành rẻ, độ ngọt cao nên được sử dụng nhiều trong việc sản xuất thực phẩm. Ngoài ra, trên thị trường có không ít loại đường hóa học có thể sử dụng cho người đái tháo đường, dư cân...
Đường hóa học có nhiều loại, nhưng không phải loại nào cũng được phép sử dụng trong thực phẩm do đó các gia đình cần lựa chọn loại đường hóa học được cấp phép sử dụng, có xuất xứ rõ ràng và đặc biệt là phải dùng không vượt mức cho phép.
Những loại đường hóa học đang được phép sử dụng như saccharine, acesulfam K, aspartame, isomalt, sorbitol, sucralose, maltitol, lactitol, xylitol nhưng vẫn phải dùng trong giới hạn cho phép.
Những người ăn quá nhiều thực phẩm chứa đường hóa học sẽ cảm thấy nhức đầu, chóng mặt, ù tai. Đối với bà bầu, nếu thường xuyên ăn những thực phẩm chế biến từ đường hóa học có thể gây kích thích niêm mạc đường ruột, suy giảm chức năng tiêu hóa, gây rối loạn tiêu hóa…
Theo PGS. TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ thực phẩm Đại học Bách khoa, các loại đường hóa học sẽ gây hại cho sức khỏe người nếu như không dùng đúng hàm lượng cho phép. Tuy nhiên, các chất này không gây hại ngay lập tức mà sẽ tích tụ trong nội tạng, đến một thời điểm nhất định sẽ gây bệnh, thậm chí là cả ung thư.
Liều lượng dùng của mỗi loại đường hóa học là khác nhau. Ví dụ liều saccharine dùng hàng ngày là 5mg/kg thể trọng. Với aspartame, mỗi ngày chỉ nên dùng ít hơn hoặc bằng 40mg/kg thể trọng.