1. Công dụng chữa bệnh của cây đỗ quyên
Đỗ quyên, tên khác là báo xuân hoa, thanh minh hoa, sơn trà hoa, sơn thạch lựu, ánh sơn hồng, mãn sơn hồng...
Ở nước ta có tới 15 loài đỗ quyên khác nhau, có nhiều loài có thể sử dụng làm thuốc. Tuy nhiên, cũng có một số loài đỗ quyên có độc. Ví dụ như đỗ quyên hoa vàng (hoàng hoa đỗ quyên) có độc tính rất cao. Để dùng thuốc an toàn, chỉ nên sử dụng loài hoa đỗ quyên đỏ.
Đỗ quyên là loại cây nhỡ, cành có vỏ xám đen, nhẵn. Lá đơn mọc cách, thường tụ hợp ở ngọn cành; phiến lá hình bầu dục, dày, dai, mặt trên xanh bóng, mặt dưới nâu nâu và hơi có lông, lá tựa như lá nhót tây nhưng nhỏ hơn. Hoa xếp thành tán từ 2-6 đóa ở cành ngọn, Quả nang hình trứng, đầy lông thô.
Y học cổ truyền cho rằng hoa và lá đỗ quyên có vị chua ngọt, tính ấm, tác dụng hoạt huyết, điều kinh, trừ đờm, giảm ho, khử phong thấp, làm hết ngứa, được dùng để chữa các chứng rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, băng lậu, tổn thương do ngã, phong thấp, nôn ra huyết...
Rễ đỗ quyên có vị chua, chát, có độc; có tác dụng trừ phong thấp, hoạt huyết, hóa ứ và chỉ huyết (cầm máu).
Cây đỗ quyên hoa đỏ.
2. Bài thuốc từ cây đỗ quyên
2.1 Chữa viêm phế quản mạn tính: Lá đỗ quyên 30g, lá nhót 15g, rau diếp cá 24g. Sắc uống.
Hoặc dùng bài: Hoa hoặc lá đỗ quyên 60g, đem ngâm trong 500ml rượu trắng; sau 10 ngày là dùng được; Ngày uống 3 lần, mỗi lần 10ml .
2.2 Chữa phong thấp, chân tê yếu, suy nhược cơ thể: Rễ đỗ quyên, hà thủ ô, ba kích, ngũ gia bì, thỏ ty tử, uy linh tiên - mỗi vị 12-20g, sắc nước uống trong ngày.
Hoặc dùng bài: Hoa đỗ quyên tươi 12g; rễ kim anh 3g; rửa sạch ngâm 1000ml rượu trắng 40o trong 30 ngày là dùng được tháng. Uống 1 lần vào buổi tối trước khi ngủ từ 15-20ml.
2.3 Chữa chảy máu cam: Hoa hoặc lá đỗ quyên tươi 30g, sắc nước uống.
2.4 Chữa mụn nhọt sưng đau: Đọt hoặc lá đỗ quyên non, giã nát đắp. Có thể phối hợp với lá trắc bách diệp tươi (lượng bằng nhau), giã nhuyễn, hòa thêm lòng trắng trứng gà hoặc mật ong, đắp vào nơi tổn thương.
2.5 Chữa rụng tóc: Hoa đỗ quyên 15g, cốt toái bổ 15g, xuyên hoa tiên 30g, cao lương 25g; ngâm với 1000ml rượu trong 7-10 ngày. Khi dùng lắc đều, dùng que bông thấm tẩm vào rượu rồi bôi xát vào vùng tóc rụng. Trước khi bôi rượu hãy dùng 1 lát gừng tươi chà xát vào da đầu.
2.6 Chữa dị ứng, mẩn ngứa: Lá đỗ quyên tươi, nấu nước tắm.
2.7 Chữa viêm loét dạ dày: Rễ đỗ quyên 12g, cành lá mộc hương tươi 15g, quất bì 12g. Sắc uống.
2.8 Chữa viêm ruột, kiết lỵ: Rễ đỗ quyên 10g, sắc uống trong ngày.
2.9 Chữa áp xe vú giai đoạn viêm tấy: Rễ đỗ quyên 30g, sắc uống trong ngày.
Thuốc dùng ngoài: Lá đỗ quyên tươi cùng hương phụ đắp vào chỗ đau ở vú.
2.10 Chữa khí huyết không đều: Hoa đỗ quyên 15g, rễ đỗ quyên 15g, cây hàm ếch 15g, sắc uống.
2.11 Chữa rong kinh: Rễ đỗ quyên 30g, kim anh tử 30g, tuyền phúc hoa 24g, tây thảo 15g. Sắc uống.
Hoặc có thể dùng: Rễ đỗ quyên 60g, sắc uống cùng với chút rượu vang.
2.12 Chữa chứng đau bụng hậu sản: Rễ đỗ quyên tươi 30-60g, sắc uống.
2.13 Chữa xuất huyết hậu sản: Lá đỗ quyên 1 nắm, sắc cùng với một chút rượu và uống.
2.14 Chữa rối loạn kinh nguyệt: Rễ đỗ quyên 15g, rễ bạc hà 15g, ích mẫu thảo 15g, hồng hoa 9g. Sắc uống.
2.15 Đau bụng kinh, đau lưng, màu kinh nhợt: Rễ đỗ quyên 30g, rễ hải kim sa 30g, ô dược 15. Sắc uống trước kỳ kinh.
2.16 Chữa bệnh trĩ: Rễ đỗ quyên tươi 60g, ruột già lợn 1 đoạn, sắc uống trong ngày.
2.17 Chữa dị ứng: Lá đỗ quyên tươi 150g, nấu nước tắm.
2.18 Chữa mụn nhọt: Lá đỗ quyên, lá trắc bách diệp, dùng tươi, lượng bằng nhau, giã nát, trộn với lòng trắng trứng gà, cùng mật ong rồi đắp lên vùng bị tổn thương.
2.19 Chữa ung nhọt và viêm loét phần mềm: Lá non đỗ quyên giã nát và đắp vào chỗ đau.
2.20 Trị vết thương sưng tấy, bầm tím do ngã: Lá đỗ quyên khô tán bột rắc vào vết thương để cầm máu; Lá đỗ quyên tươi, nghệ vàng lượng vừa đủ, giã nát, thêm chút rượu, đắp vào nơi tổn thương. Thuốc sắc: rễ đỗ quyên 30g, sắc uống trong ngày.