Người Việt thường có thói quen nấu cơm gạo trắng để ăn hàng ngày vì dễ ăn, dễ kết hợp các thực đơn. Tuy nhiên, cơm gạo trắng không có ý nghĩa nhiều trong tăng cường sức khỏe, phòng chống bệnh tật.
Để món cơm phát huy giá trị dinh dưỡng cao, phòng chống bệnh tật - nhất là bệnh mãn tính, kéo dài tuổi thọ, lương y Bùi Hồng Minh gợi ý 3 cách nấu cơm: nấu cơm cho thêm đỗ đen hoặc nước cốt dừa hoặc khoai môn.
Nấu cơm kiểu truyền thống đơn giản không có nhiều ý nghĩa trong phòng chống bệnh tật
Thông thường, khi nấu cơm, bạn sẽ làm gì? Chắc chắn rồi, chúng ta sẽ vo gạo, sau đó đổ vào nồi nấu cơm, cho thêm lượng nước vừa đủ. Thế rồi đặt lên bếp nấu hoặc bật nấu cơm điện. Sau một thời gian nhất định, cơm chín và cả nhà cùng ăn.
Đó là cơm trắng đơn thuần. Nói gì thì nói, tại nước ta, cơm gạo trắng vẫn là món cơm phổ biến nhất vì dễ ăn, dễ kết hợp với đồ ăn thức uống trong mỗi bữa. Thế nhưng, ăn cơm gạo trắng lại không phải lựa chọn tốt nhất cho sức khỏe của bạn về lâu dài.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Lâm (Nguyên Viện phó Viện Dinh dưỡng quốc gia), cơm gạo trắng trông rất đẹp mắt nhưng đã làm mất đi các chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như các vitamin nhóm B nhất là vitamin B1, chất xơ…
Do đó, cách tốt nhất là ăn cơm gạo xay xát rối thay vì xay xát quá kỹ đến nỗi gạo trắng bóc. Khi nấu cơm cũng không nên vo gạo quá kỹ, dễ làm mất đi lớp cám gạo giàu dinh dưỡng bám bên ngoài hạt gạo.
Ngoài ra, khi nấu cơm, tốt nhất nên trộn nấu cùng một số nguyên liệu khác để tăng cường sức khỏe, giúp bạn nạp ít chất đường bột từ cơm gạo trắng hơn, đồng thời phòng tránh được nhiều bệnh tật, kéo dài tuổi thọ.
3 cách nấu cơm càng ăn càng khỏe, không lo bệnh tật tấn công
Để món cơm thông thường thêm thơm ngon, bổ dưỡng, có thể phòng chống nhiều bệnh tật mãn tính, cựu đại tá, lương y Bùi Hồng Minh (Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình, Hà Nội) gợi ý nên nấu cơm kết hợp với những nguyên liệu sau:
1. Nấu cơm với đỗ đen
Nếu như ngày xưa, ông bà chúng ta vì bị đói phải nấu cơm rồi độn thêm ngô, khoai, sắn... vào nấu cùng thì giờ đây bạn cũng có thể học tập tương tự với đỗ đen.
Trong Đông y, đỗ đen vị ngọt, tính bình, đi vào tỳ, thận, có tác dụng hoạt huyết lợi thuỷ, khu phong giải độc, trị vàng da phù nề, đầy trướng bụng ngực, gân cơ co cứng, viêm sưng do ngộ độc thuốc và hoá chất...
Khi ăn cơm nấu với đỗ đen, bạn sẽ no nhanh hơn, món ăn được cung cấp thêm chất xơ quý giá và đặc biệt có công dụng thanh lọc, thải độc cơ thể.
Lương y Bùi Hồng Minh khẳng định, cơm độn đỗ đen rất tốt cho những người bị táo bón, huyết áp cao, huyết áp thấp, tiểu đường, gút hoặc dùng cho quý ông có nhu cầu giải rượu. Cơm nấu đỗ đen cũng rất hữu hiệu cho trẻ nhỏ đang trong giai đoạn phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ.
2. Nấu cơm thêm nước cốt dừa
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, nước cốt dừa có chứa đến 50% axit lauric, có tác dụng cải thiện nồng độ cholesterol và sức khỏe tim mạch của người dùng. Hàm lượng chất béo dồi dào nhưng đây là chất béo tốt khi dùng đúng mức, làm giảm lượng cholesterol xấu (LDL), và làm tăng lượng cholesterol tốt (HDL), đóng vai trò điều hòa huyết áp, giúp mạch máu linh hoạt, có độ đàn hồi và ngăn ngừa xơ vữa động mạch.
Nấu cơm theo kiểu này, cơm sẽ rất thơm và ngon. Ngoài ra, cơm nấu nước cốt dừa còn siêu tốt cho hệ tiêu hóa, tăng cường miễn dịch đường ruột. Đặc biệt, món cơm này cũng giúp giảm cân, đẹp dáng, chị em càng không thể bỏ qua điều này.
3. Nấu cơm với khoai môn
Trong Đông y, khoai môn vị ngọt cay, tính bình; vào tỳ thận, có công năng ích khí bổ thận, phá huyết tán kết, khu phong, chỉ thống, trừ đàm tiêu thũng. Loại khoai này được chỉ định dùng cho người bị phát ban dị ứng mẩn ngứa, sa trực tràng, lỵ mạn tính, viêm sưng hạch (lao hạch), chấn thương đụng giập, gãy xương chảy máu do chấn thương, viêm sưng khớp do phong thấp, đau dạ dày, mụn nhọt, rắn cắn, lao phổi, ung thư họng, ung thư gan, bướu giáp...
Nghiên cứu của y học hiện đại cho thấy, trong khoai môn có chứa rất nhiều thành phần dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như vitamin, canxi, sắt. Đặc biệt, khoai môn kích thích tiêu hóa.
Do đó, cơm nấu với khoai môn rất thích hợp cho những ai đang bị đầy bụng, khó tiêu. Món cơm này cũng rất tốt cho những người bị bệnh tiểu đường, tim mạch, cao huyết áp.