PGS.TS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, ngày nay, cuộc sống bận rộn cùng với tâm lý e ngại của các đấng mày râu khi đi khám nam khoa, để lại hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và vấn đề sinh sản. Hãy ghi nhớ 3 dấu hiệu và những lời khuyên sau đây để giảm thiểu tối đa hậu quả của bệnh.
PGS.TS Nguyễn Quang – Giám đốc Trung tâm Nam học, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thăm khám cho bệnh nhân.
Chảy dịch mủ đầu dương vật
Chảy dịch mủ đầu dương vật là một biểu hiện không nên bỏ qua, hãy khám chuyên khoa nam học ngay để được điều trị. Hầu hết biểu hiện chảy dịch mủ đầu dương vật do nhiễm khuẩn gây ra bao gồm: lậu, chlamydia, nhiễm khuẩn tiết niệu…
Bệnh thường lây nhiễm do quan hệ tình dục không an toàn, sử dụng chung đồ lót với người mắc bệnh. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời dẫn đến viêm tinh hoàn, viêm bàng quang, nhiễm khuẩn huyết, vô sinh… Đã có rất nhiều trường hợp vô sinh thứ phát sau khi bị viêm niệu đạo. Bệnh có thể xuất hiện kèm các triệu chứng như:
– Chảy mủ đầu dương vật (có thể nhiều hoặc giọt mủ khi vuốt dọc thân dương vật khi sáng sớm ngủ dậy)
– Tiểu buốt, rát
– Xuất tinh máu
– Ngứa quanh lỗ miệng sáo, dọc niệu đạo
– Đau khi dương vật cương cứng…
Bệnh cần được điều trị kịp thời và chính xác để tránh hậu quả đáng tiếc.
Khi có dấu hiệu hãy gặp bác sỹ nam khoa ngay, nhịn tiểu ít nhất 6h để kết quả xét nghiệm được chính xác.
Không sờ thấy tinh hoàn
Một người nam giới bình thường sẽ có 2 tinh hoàn nằm trong bìu, tất cả những trường hợp chỉ có một bên tinh hoàn hoặc không sờ thấy có tinh hoàn trong bìu đều là những dấu hiệu bất thường. Hơn nữa, ẩn tinh hoàn có thể bị vô sinh, ngay cả khi chỉ bị ẩn tinh hoàn 1 bên. Bên tinh hoàn bị ẩn có nguy cơ bị ung thư hoặc sẽ gặp phải những nguy cơ tiềm tàng khác. Khi trẻ vừa sinh ra có thể tinh hoàn sẽ chưa xuống bìu ngay nhưng sau 6 tháng tinh hoàn của trẻ vẫn chưa xuống bìu thì hãy nghĩ đến vấn đề phẫu thuật hạ tinh hoàn cho trẻ, tốt nhất nên điều trị khi trẻ dưới 2 tuổi.
Ở độ tuổi trưởng thành, hạ tinh hoàn không mang nhiều giá trị về mặt chức năng sản xuất tinh trùng của tinh hoàn mà mục đính chính chỉ để giảm nguy cơ ung thư tinh hoàn và các biến chứng khác.
Do đó, khi trẻ nam vừa sinh ra, hãy kiểm tra tinh hoàn của trẻ và theo dõi thường xuyên nếu không đủ 2 tinh hoàn. Sau 6 tháng vẫn chưa sờ thấy thì đưa trẻ tới gặp bác sỹ để bảo vệ tương lai của trẻ.
Bất thường da bao quy đầu dương vật
Bình thường, người nam giới khi đến tuổi trưởng thành thì lớp da bao ngoài dương vật (gọi là da quy đầu) sẽ tuột khỏi phần quy đầu khi dương vật cương cứng hoặc khi dùng tay kéo ngược phần da quy đầu để lộ hoàn toàn quy đầu.
Ở một số nam giới lớp da này vẫn dính lấy toàn bộ phần đầu dương vật chỉ chừa lại một lỗ nhỏ để thoát nước tiểu, do đó nước tiểu thường còn sót lại bên trong bọc da, đóng cặn, gây khó khăn cho việc giữ gìn vệ sinh.
Bệnh về bao quy đầu chia làm 2 dạng: hẹp bao quy đầu (da quy đầu trùm kín phần đầu dương vật và không lộn xuống được hoặc lộn khó khăn, lộn bị chặt, có vòng thắt) và dài da bao quy đầu (da bao quy đầu dài trùm quy đầu, có thể dùng tay lộn được).
Hậu quả là người bệnh rất dễ bị viêm nhiễm vùng quy đầu dương vật, viêm niệu đạo, khó khăn trong quan hệ tình dục, nghẹt da quy đầu (ở người bệnh hẹp bao quy đầu) và nguy hiểm hơn là có nguy cơ bị ung thư dương vật cao hơn người bình thường.
BS Quang khuyến cáo, ngay từ khi trẻ nam còn nhỏ, bố mẹ nên lộn phần quy đầu dương vật vệ sinh hàng ngày cho trẻ. Khi phát hiện hẹp bao quy đầu, dài da bao quy đầu gây khó vệ sinh hay viêm nhiễm… ở độ tuổi trưởng thành thì việc xử trí sẽ phức tạp hơn (thông thường sẽ phải can thiệp ngoại khoa – cắt bao quy đầu ); Tốt nhất hãy đến gặp bác sỹ nam khoa ở các cơ sở y tế uy tín để được tư vấn và điều trị một cách hiệu quả nhất.