“Khi nhắc đến vi sinh vật hay vi khuẩn thì con người thường hay nghĩ ngay đến tác động xấu của chúng. Tuy nhiên, hệ tiêu hóa của con người, bao gồm cả dạ dày chứa một hệ vi sinh phức tạp. Trong đó bao gồm cả những vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại. Chúng có ý nghĩa vô cùng quan trọng với hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và nhiều vai trò khác với sức khỏe” - bác sĩ tiêu hóa Cai Yingjie (Đài Loan, Trung Quốc) chia sẻ.
Ngoài điều trị lâm sàng, ông hiện đang giảng dạy tại Đại học Yangming ở Đài Loan (Trung Quốc). Ông nhấn mạnh: “Các loại vi khuẩn có lợi cho dạ dày nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung chiếm tới khoảng 85% tổng lượng vi khuẩn trong đường tiêu hóa. Nổi bật nhất là: Lactobacillus, Bacillus clausii, Bifidobacteria... Chúng không chỉ giúp tiêu hóa tốt, bảo vệ dạ dày mà còn tăng cường miễn dịch cho cơ thể, phòng chống nhiều bệnh tật khác. Bao gồm cả những bệnh liên quan đến dị ứng, tim mạch, rối loạn chuyển hóa và cả bệnh về thần kinh".
Do đó, việc nuôi dưỡng lợi khuẩn là vô cùng quan trọng. Sau đây là 4 cách đơn giản nhất để nuôi dưỡng lợi khuẩn được bác sĩ Cai khuyến nghị chúng ta nên làm
1. Ăn nhiều loại thực phẩm lên men
Bác sĩ Cai cho biết, lý do các loại thực phẩm lên men tốt cho dạ dày và đường tiêu hóa là vì chúng có sự biến đổi bởi vi sinh vật. “Quá trình lên men thường liên quan đến vi khuẩn hoặc các loại nấm men chuyển đổi đường trong thực phẩm thành rượu hoặc axit hữu cơ".
Các thực phẩm lên men như sữa chua rất tốt trong nuôi dưỡng lợi khuẩn (Ảnh minh họa)
"Các thực phẩm lên men phổ biến như: miso, natto, kim chi, rau khô, phô mai, sữa lên men, sữa chua, nước mắm, nước tương, đậu hũ thối, đậu phụ lên men, giấm, rượu gạo lên men, trà Phổ Nhĩ… đều tốt cho nuôi dưỡng lợi khuẩn ở dạ dày”.
Ông nói thêm rằng, để thu được lượng vi khuẩn tốt lớn hơn từ thực phẩm lên men thì các loại sữa chua, sữa lên men có hiệu quả lớn hơn, có thể ăn hàng ngày. Các thực phẩm lên men khác vừa kể ra có thể bổ sung lâu dài, mỗi lần ăn một ít để bổ sung nhiều loại vi khuẩn và đảm bảo sự đa dạng trong chế độ ăn uống.
2. Ăn thực phẩm chứa chất xơ hòa tan
“Chất xơ có thể được chia thành chất xơ không tan trong nước và chất xơ hòa tan trong nước. Chất xơ không hòa tan có thể thúc đẩy quá trình đại tiện và có lợi ích gián tiếp cho vi khuẩn tốt ở đường ruột. Loại chất xơ này thường được tìm thấy trong trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt, có cảm giác xơ cứng và cần thời gian nhai lâu hơn” - bác sĩ Cai giải thích.
Nói rõ hơn, ông cho rằng lợi ích của thực phẩm giàu chất xơ hòa tan tới vi khuẩn tốt trong đường ruột và dạ dày bao gồm lợi ích trực tiếp và gián tiếp. Đầu tiên, lợi ích trực tiếp là chất xơ hòa tan trong nước hầu hết có kết cấu trơn và dính, có thể dùng làm nguồn cung cấp men vi sinh và “thức ăn” cho vi khuẩn có lợi trong đường ruột.
Về lợi ích gián tiếp, loại chất xơ này còn có thể làm tăng cảm giác no và ngăn ngừa bệnh tật, ngăn lượng đường trong máu tăng đột biến, giảm cholesterol trong máu… Chất xơ hòa tan cũng có thể thúc đẩy sự phát triển của men vi sinh và ức chế số lượng vi khuẩn có hại.
Ông gợi ý các thực phẩm giàu chất xơ tốt cho nuôi dưỡng vi khuẩn tốt như: yến mạch, đậu, khoai lang, khoai tây, bí ngô, đậu bắp, nấm, rong biển, súp lơ, cà rốt, táo, lê, chuối, kiwi, cam quýt, dưa, Konjac… Bạn cũng có thể ăn một số thực phẩm thanh nhiệt như đậu xanh, lúa mạch, cả hai loại thực phẩm này đều có tác dụng thanh nhiệt, cải thiện thể trạng nóng của cơ thể và giúp ích cho vi khuẩn đường ruột.
3. Tập thể dục đúng cách
Khoa học đã chứng minh rằng sự đa dạng cao của vi khuẩn đường ruột và lượng vi khuẩn tốt dồi dào cũng liên quan đến việc tập thể dục.
Tập thể dục một cách vừa sức, vui vẻ có thể thúc đẩy sự phát triển của vi khuẩn tốt trong dạ dày (Ảnh minh họa)
“Khi bạn bước ra khỏi nhà và chạy bộ trong công viên, vi khuẩn đường ruột của bạn có thể bắt đầu thay đổi theo hướng tốt hơn - ngay cả khi bạn không bổ sung thêm men vi sinh. Tuy nhiên, không phải tất cả các bài tập thể dục đều có thể mang lại những thay đổi tốt về vi khuẩn đường ruột. Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tập thể dục nhịp điệu có tác dụng rõ rệt hơn trong việc cải thiện vi khuẩn đường ruột” - bác sĩ Cai giải thích.
Tuy nhiên, có 2 điều quan trọng bác sĩ Cai nhắc nhở khi tập thể dục để nuôi dưỡng, tăng cường vi khuẩn tốt. Đầu tiên là phải lựa chọn bài tập có cường độ phù hợp. “Mặc dù bơi lội, đạp xe và chạy đường dài đều là những bài tập aerobic nhưng tập luyện cường độ cao trong thời gian dài sẽ làm giảm lượng máu lưu thông trong dạ dày - ruột, gây viêm toàn thân, tổn thương hệ tiêu hóa. Chỉ tập thể dục nhịp điệu vừa phải mới có thể làm cho vi khuẩn đường ruột điều chỉnh theo hướng tích cực nhanh hơn”.
Thứ hai, ông nói rằng bạn cần tập thể dục với sự sẵn sàng và tâm trạng vui vẻ. “Hãy vui vẻ tập thể dục, tập thể dục đúng cách cũng có thể giúp giảm căng thẳng. Chỉ khi tinh thần con người trở nên thoải mái, giảm bớt căng thẳng thì sự cân bằng của vi khuẩn đường ruột mới được cải thiện”.
4. Duy trì thói quen sinh hoạt tốt
Thông thường, vi khuẩn trung tính chiếm từ 60% - 70% trong ruột, khi số lượng vi khuẩn có lợi trong cơ thể tăng lên thì vi khuẩn trung tính sẽ trở thành vi khuẩn có lợi, nếu số lượng vi khuẩn có hại tăng lên thì vi khuẩn trung tính sẽ trở thành vi khuẩn có hại.
Vì vậy, bác sĩ Cai nhắc nhở: “Hãy tránh những hành vi làm tăng số lượng vi khuẩn có hại, chẳng hạn như thói quen ăn uống không tốt. Phổ biến nhất là ăn uống thất thường, bỏ bữa, ăn nhiều đồ chiên rán. Cũng không nên để căng thẳng tích tụ lâu ngày, suy nghĩ tiêu cực kéo dài, dễ tức giận vì nó ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của lợi khuẩn và sức khỏe dạ dày.
Cải thiện chất lượng giấc ngủ giúp dạ dày nói riêng và hệ tiêu hóa nói chung khỏe mạnh hơn (Ảnh minh họa)
Đặc biệt là không nên thức khuya. Thời điểm đi ngủ tốt nhất để vi khuẩn có lợi cho dạ dày phát triển là trước 23 giờ. Ngủ đủ giấc cũng không có nghĩa là bạn chỉ cần ngủ đủ 7 - 8 tiếng mỗi ngày. Điều quan trọng là cần phải ngủ ít nhất 5 - 6 giờ liên tục, không gián đoạn vào ban đêm”.
Nguồn và ảnh: NTDTV, Family Doctor, Kknews