Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tập thể dục thực sự có lợi cho sức khỏe và tuổi thọ. Những bài tập giúp chúng ta cải thiện khả năng miễn dịch, kiểm soát cân nặng và cải thiện các hệ thống khác nhau của cơ thể. Đồng thời, thúc đẩy giấc ngủ, trì hoãn lão hóa, giữ cho cơ thể tránh xa các bệnh mãn tính khác nhau, điều chỉnh căng thẳng cảm xúc và có lợi cho tuổi thọ.
Tuy nhiên, không phải môn thể thao nào cũng mang lại hiệu quả tích cực cho sức khỏe. Theo tờ "Nhật báo Y tế" của Mỹ, có 4 môn "thể thao trường thọ" mà mọi người nên tập luyện mỗi ngày để giúp cơ thể khỏe mạnh và sống lâu hơn:
1. Đi bộ nhanh
Đi bộ nhanh là bộ môn nên được ưu tiên lựa chọn vì dễ thực hiện và không tốn kém tiền bạc đối với mọi người. Theo một nghiên cứu của Mỹ: Đi bộ giảm 35% nguy cơ tử vong do các bệnh hô hấp ở những người đi bộ hơn 6 giờ/tuần so với những người ít vận động.
Đi bộ cũng giúp giảm khoảng 20% nguy cơ tử vong do bệnh tim và giảm 9% nguy cơ tử vong do ung thư. Việc đi bộ thường xuyên giúp bạn ngăn ngừa việc hình thành các mảnh xơ vữa động mạch, từ đó ngăn chặn được các biến chứng từ căn bệnh này gây ra như đột quỵ não.
Bài tập này phù hợp với mọi đối tượng ở mọi lứa tuổi. Trung bình tốc độ đi bộ bình thường là 0,9 m/giây, nếu tốc độ này lớn hơn 1 m/giây thì đó là đi bộ nhanh, rất tốt cho tuổi thọ.
Tuy là một bài tập chuyển động hai chân đơn giản nhưng đi bộ nhanh có thể rèn luyện sức mạnh cơ bắp của chi dưới, đẩy nhanh quá trình tuần hoàn máu và tốc độ trao đổi chất, giảm nguy cơ đột quỵ. Người lớn tuổi dễ bị táo bón, đi bộ nhanh có thể làm dịu chứng táo bón và khiến cơ thể phối hợp nhịp nhàng hơn.
2. Chạy bộ
Cho dù bạn chạy bao xa hay tốc độ nhanh chậm như thế nào, thì bước chạy này đều làm giảm nguy cơ tử vong sớm, tử vong do bệnh tim mạch và ung thư. Mặc dù cả chạy bộ và đi bộ nhanh đều là môn thể thao phối hợp hai chân, nhưng thực tế chạy bộ càng có lợi cho tuần hoàn máu và trao đổi chất trong cơ thể. Thường xuyên chạy bộ sẽ giúp rèn luyện và duy trì thể chất khoẻ mạnh.
Mặc dù chạy bộ giúp kéo dài tuổi thọ nhưng cũng nên thực hiện điều độ. Đặc biệt là những người không có thói quen chạy bộ, hoặc lâu ngày không vận động thì phải bắt đầu dần dần, không cần thiết phải chạy quá dài hoặc quá nhanh ngay từ đầu.
3. Bơi lội
Bơi lội là bộ môn giúp cải thiện hệ thống tim mạch, giúp quá trình lưu thông tuần hoàn máu diễn ra tốt hơn. Khi bơi, dưới tác động của nước, các mạch máu sẽ được ‘’massage’’ giúp lưu thông khí huyết, hạn chế nguy cơ gây đột quỵ.
Vì là môn thể thao dưới nước, với sự hỗ trợ của nước nên gánh nặng của bơi lội lên các khớp là "0". Người trung niên cũng như người cao tuổi mắc bệnh khớp, chân tay hoạt động kém đều có thể tập luyện bơi lội.
Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nếu một người bơi lội thường xuyên, nguy cơ tử vong sớm sẽ giảm, nguy cơ đột quỵ và bệnh tim cũng giảm, từ đó có thể kéo dài tuổi thọ. Bơi lội cũng rèn luyện tim phổi, rèn luyện thân hình, rèn luyện cơ bắp, chống thoát vị đĩa đệm vùng thắt lưng. Tuy nhiên, những người bị tổn thương ngoài da và mắc các bệnh truyền nhiễm không nên bơi lội.
4. Cầu lông
Cầu lông là môn thể thao vận động toàn thân, không chỉ đòi hỏi thể lực, sức bền mà còn cần sự phối hợp nhịp nhàng, linh hoạt của cơ thể. Chơi cầu lông thường xuyên có thể giảm một nửa nguy cơ tử vong. Cầu lông cũng là môn thể thao dùng vợt, bên cạnh bóng bàn và quần vợt, theo Tạp chí y khoa tổng hợp The Lancet, động tác vung vợt tốt cho sức khỏe và tuổi thọ.
Nhưng có một điều cần chú ý, bởi vì các môn thể thao dùng vợt tiêu hao nhiều thể lực, phạm vi chuyển động cũng tương đối lớn nên người cao tuổi cần phải cẩn thận nhiều hơn.
(Theo Toutiao)