Tại Nhật Bản, phụ nữ trẻ quá gầy đã trở thành nỗi lo lắng kéo dài nhiều năm, thậm chí được xem là vấn nạn cấp quốc gia. Một cuộc khảo sát sức khỏe và dinh dưỡng quốc gia năm 2019 cho thấy 20,7% - tương đương 1/5 phụ nữ Nhật Bản ở độ tuổi 20 có chỉ số khối cơ thể BMI dưới 18,5 - được xem là thiếu cân.
Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản dẫn lời chuyên gia Hirazawa Yuko cho biết: "Ngoài sức khỏe của bản thân, phụ nữ khi mang thai và sinh con trong tình trạng gầy nên sức khỏe của thai nhi cũng sẽ bị ảnh hưởng. Để thay đổi tình trạng này, tôi hy vọng Phụ nữ nên bắt đầu ngay từ bây giờ với kiến thức dinh dưỡng hợp lý".
Tháng 7/2022, Bộ Y tế Nhật Bản cho biết chính phủ nước này đã thành lập một nhóm nghiên cứu về vấn đề này. Với hy vọng sử dụng các phát hiện của nhóm này để nâng cao hiểu biết về tầm quan trọng của việc duy trì cân nặng bình thường, thông qua truyền bá nhận thức về rủi ro của việc ăn kiêng quá độ và không cân bằng. Bởi thiếu cân có thể khiến sức khỏe phụ nữ gặp rủi ro và gây nguy hiểm cho trẻ sơ sinh.
Giáo sư Hideko Fukuoka, bác sĩ sản phụ khoa tại Đại học Waseda và là nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Đổi mới Cuộc sống Nano (Nhật Bản) cũng nhiều lần lên tiếng cảnh báo về thực trạng trên. Ông chỉ ra rất nhiều nguy cơ tiềm ẩn với sức khỏe mẹ và bé nếu phụ nữ có ý định mang thai khi quá gầy, phổ biến nhất là 4 điều sau:
1. Khó mang thai
Khi cơ thể bạn quá gầy sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Nhiều nghiên cứu cho thấy dù nam hay nữ khi quá gầy, thiếu dinh dưỡng khiến đều làm tăng nguy cơ gặp các vấn đề về sinh sản, thậm chí có thể dẫn đến vô sinh.
Đối với nữ giới nếu quá gầy thì không chỉ dẫn đến tình trạng thiếu hụt estrogen mà còn làm giảm khả năng sinh sản. Đặc biệt, tỷ lệ thụ thai thành công chỉ đạt còn 34%. Bởi vì kinh nguyệt của bạn sẽ thất thường, thậm chí vô kinh và không tạo ra đủ lượng hormone cơ thể cần dùng để củng cố lại niêm mạc tử cung sẵn sàng cho việc thụ thai.
Còn với nam giới, gầy và thiếu dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng tới chất lượng và số lượng tinh trùng, khả năng sinh lý.
2. Mẹ mệt mỏi, dễ sảy thai, sinh non và dị tật thai nhi
Không chỉ khó khăn để thụ thai, sau khi mang thai, phụ nữ quá gầy cũng sẽ gặp nhiều vấn đề sức khỏe hơn. Đơn giản nhất là người mẹ sẽ dễ mệt mỏi, gặp nhiều khó khăn, hay ốm đau hơn trong suốt thai kỳ. Do cơ thể có thể bị thiếu năng lượng và không thể hấp thụ các chất dinh dưỡng cần thiết.
Trong đó, đáng lo ngại nhất là việc cung cấp không đủ chất được gọi là "vitamin tạo máu - axit folic". Giáo sư Fukuoka giải thích, Axit folic là một chất dinh dưỡng cần thiết cho sự hình thành các tế bào mới trong hệ thống thần kinh trung ương của thai nhi. Nếu không đủ axit folic trong thời kỳ mang thai sẽ làm tăng nguy cơ thai nhi bị rối loạn ống thần kinh như nứt đốt sống cũng như nhiều dị tật khác.
Khi quá gầy, phụ nữ sẽ phải đối mặt với những vấn đề tim mạch, loãng xương do thiếu canxi và vitamin D và sự suy giảm hệ miễn dịch. Những yếu tố này khiến bạn có một thai kỳ không an toàn chút nào và rất dễ sinh non. Chưa kể, bản thân việc người mẹ bị thiếu chất, ốm yếu cũng làm tăng nguy cơ sảy thai tự nhiên.
3. Trẻ sinh ra thiếu cân, hay ốm yếu
Giáo sư Fukuoka nhấn mạnh rằng: "Phụ nữ gầy không chỉ có khả năng mang thai thấp mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của thế hệ tiếp theo. Đây không phải là vấn đề cá nhân của phụ nữ mà là vấn đề lớn của toàn xã hội".
Bởi vì phụ nữ quá gầy dễ dẫn đến thai nhi thiếu chất, thậm chí suy dinh dưỡng, phát triển không toàn diện. Không kể đến việc tăng tỷ lệ sinh non thì dù trải qua 9 tháng 10 ngày mang thai an toàn vẫn sẽ dễ sinh ra trẻ với cân nặng rất nhỏ.
Những trẻ nhỏ và nhẹ cân như vậy có nhiều khả năng mắc các bệnh lý đường hô hấp, nguy cơ nhiễm trùng, ảnh hưởng đến sự phát triển của hệ tiêu hóa, hệ thần kinh… khi còn nhỏ. Trẻ nhẹ cân cũng sẽ có hệ miễn dịch yếu hơn, dễ thấp còi và mắc bệnh liên quan đến lối sống như bệnh tiểu đường, huyết áp… trong quá trình tăng trưởng sau này so với những trẻ có cân nặng bình thường.
4. Mẹ bị loãng xương, hậu sản mòn
Khi nằm trong bụng mẹ, thai nhi cần rất nhiều canxi để phát triển bộ xương, nhu cầu về canxi đặc biệt lớn trong 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu mẹ quá gầy hoặc chế độ dinh dưỡng của người mẹ không cung cấp đủ canxi, thai nhi sẽ rút canxi từ xương của cơ thể mẹ, mật độ xương của người mẹ có nguy cơ giảm.
Hơn nữa, quá trình cho con bú cũng ảnh hưởng đến xương mẹ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ thường mất từ 3 - 5% khối lượng xương trong thời gian cho con bú. Vì vậy, phụ nữ gầy sẽ có nguy cơ bị loãng xương khi mang thai hoặc sau sinh lớn hơn rất nhiều. Các triệu chứng thường gặp là sau sinh 1-2 tháng, người mẹ cảm thấy đau nhức khắp người, nhất là ở lưng và bàn chân.
Ngoài ra, phụ nữ mang thai khi quá gầy hoặc tăng cân không đủ trong quá trình mang thai cũng rất dễ bị hậu sản mòn. Các mẹ bị hậu sản mòn thường có biểu hiện là cơ thể gầy yếu, khó tăng cân, sức đề kháng kém nên dễ bị nhiều bệnh tật. Bên cạnh đó, sau sinh nếu mẹ bị thiếu cân sẽ dễ bị kiệt sức và suy dinh dưỡng.
Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng nguồn sữa mẹ và sự phát triển của bé. Khi cơ thể phụ nữ sau sinh thiếu chất, nguồn sữa sẽ không đủ dinh dưỡng để giúp bé phát triển khỏe mạnh và thông minh.
Vì vậy, khi có ý định mang thai và trong quá trình mang thai, chị em phụ nữ cần đặc biệt quan tâm đến cân nặng của mình. Đừng để cơ thể quá béo hay quá gầy, duy trì chỉ số BMI trong khoảng 19 - 28 giúp bạn có cơ hội mang thai lên tới trên 50% và trải qua thai kỳ suôn sẻ, trẻ sinh ra khỏe mạnh hơn. Còn nếu bạn gầy do cơ địa hay bệnh lý, không thể cải thiện bằng ăn uống, tốt nhất hãy nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ chuyên môn!
Nguồn và ảnh: Sina Health, Sankei Shimbun, Woman.tvbs