Có thể thấy, uống nước là một phương pháp hồi phục thể chất linh hoạt và lành mạnh nhất. Khi bị sốt, đau bụng kinh, bị táo bón, hay đang tăng cân quá nhanh... chúng ta đều được khuyên nên uống nước thật nhiều.
Dù nước không đem lại hiệu quả chữa bệnh như lời đồn. Nhưng việc bổ sung nước đầy đủ và kịp thời quả thực là phương pháp đảm bảo sức khỏe cho cơ thể vì nó giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa, đẩy nhanh quá trình đào thải chất độc...
Ngay trước khi đi ngủ
Uống nước trước khi đi ngủ dù có thể giúp cải thiện tâm trạng, giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn nhưng uống ngay trước khi ngủ lại có thể làm tăng số lần đi tiểu vào ban đêm.
Theo tờ Healthline, việc uống 1-2 ly nước trước khi đi ngủ có thể khiến bạn thay đổi chu kỳ giấc ngủ và tác động tiêu cực đến sức khỏe tim mạch . Một nghiên cứu năm 2019 cho thấy những người trưởng thành ngủ ít hơn 6 giờ vào ban đêm có nguy cơ bị đột quỵ hoặc đau tim cao hơn. Ngoài ra, điều này cũng có thể gây huyết áp cao, tăng mức cholesterol xấu và cuối cùng là tăng cân.
Ngoài ra, việc uống nhiều nước ngay trước khi ngủ có thể ảnh hưởng đến chức năng bàng quang tiết niệu của bạn. Nếu khát, bạn nên uống nước trước khi đi ngủ ít nhất 30 phút.
Uống nước trước, trong và sau bữa ăn
Rất nhiều người có thói quen uống vài cốc nước trong bữa ăn, vì họ hy vọng rằng nước sẽ làm sạch đồ ăn trong ruột, giúp hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, các chuyên gia dinh dưỡng trên toàn thế giới đều đã bác bỏ thông tin này.
Nhiều nghiên cứu khác nhau cho thấy rằng hành động này cản trở nghiêm trọng đến quá trình tiêu hóa bằng cách làm loãng dịch vị và gây ra sự gia tăng nồng độ insulin. Thực tế, việc uống nước trước, trong và sau bữa ăn đều không tốt.
Tiến sĩ dinh dưỡng nổi tiếng Anju Sood trả lời trên tờ NDTV rằng: "Cơ thể mất khoảng 2 giờ để tiêu hóa những gì bạn ăn. Thức ăn đi qua thực quản đến dạ dày, sau đó đến ruột kết trước khi được thải ra khỏi cơ thể. Có một tỷ lệ chất lỏng-rắn nhất định trong dạ dày của chúng ta. Nếu bạn tiêu thụ nước trước bữa ăn, bạn không chỉ làm rối loạn thành phần chất lỏng bằng cách pha loãng những gì bạn ăn, bạn còn đang đẩy nhanh quá trình tiêu hóa vì thức ăn bây giờ đi vào ruột già sớm hơn nhiều so với bình thường. Do đó, không nên uống nước ngay trước bữa ăn".
Ngoài ra, bà cũng cho rằng uống nước sau bữa ăn rất nguy hiểm vì nó không chỉ thúc đẩy quá trình tiêu hóa mà còn cản trở sự hấp thụ tự nhiên của các chất dinh dưỡng sau khi tiêu hóa.
Vậy chúng ta nên uống nước vào thời điểm nào?
Theo BS. TS. Từ Ngữ (Phó Chủ tịch – Tổng thư ký Hội Dinh dưỡng Việt Nam): Trung bình mỗi ngày cơ thể mỗi người cần đến 1,5 lít nước từ thực phẩm, đồ uống để bù lại lượng nước đã mất và duy trì các chức năng cho cơ thể. Chúng ta nên uống nhiều nước vào những thời điểm sau:
- Sáng sớm: Uống một cốc nước lọc ấm, sau ăn sáng có thể uống cà phê, nước chè…
- Giữa buổi: Uống nước lọc, trong bữa ăn uống nước canh.
- Lao động nặng hoặc người chơi thể thao nên uống nhiều nước hơn.
Khi uống nước, nên uống từng ngụm nhỏ để nước có thời gian thấm qua thành ruột vào mạch máu và thỏa mãn nhu cầu khát của cơ thể bị thiếu nước.
Ngoài ra, bạn nên tăng lượng rau và trái cây mà mình tiêu thụ, nên uống nước khi đói để đảm bảo kiểm soát tốt cân nặng.