Bệnh dạ dày là một căn bệnh phổ biến và HP cũng liên quan đến nó. Chính những vi khuẩn ẩn trong dạ dày này là nguyên nhân thường xuyên gây ra các bệnh về dạ dày.
Theo BS Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại Tiêu hoá 1, Bệnh Viện K, vi khuẩn HP (Helicobacter Pylori) là tác nhân chính gây bệnh viêm dạ dày cấp và mạn tính, loét dạ dày - tá tràng và ung thư dạ dày... Trên thế giới, có 50-60% dân số bị nhiễm HP.
BS Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại Tiêu Hoá 1, Bệnh Viện K
''Hiện tỷ lệ người Việt Nam nhiễm HP rất cao, có khoảng 60-70% dân số. Nghiên cứu tại Hà Nội, cứ 1.000 người thì có đến 700 trường hợp nhiễm vi khuẩn HP. Còn tại TP. HCM, 90% số người bị viêm dạ dày có xuất hiện vi khuẩn này. Hình dạng xoắn ốc của HP giúp nó tấn công vào niêm mạc dạ dày.
Tại đây vi khuẩn sẽ được bảo vệ bởi chất nhầy, điều này khiến các tế bào miễn dịch không thể tiếp cận và tiêu diệt vi khuẩn. Ngoài ra, vi khuẩn HP có thể thích nghi bằng cách tiết ra urease - chất giúp trung hoà acid của dạ dày, để tồn tại. Chính tại nơi này, do mất lớp màng nhầy acid do dạ dày tiết ra sẽ tác động trực tiếp lên lớp niêm mạc dạ dày, dẫn đến viêm loét. Các vết loét này có thể chảy máu, gây nhiễm trùng hoặc ngăn thức ăn di chuyển qua hệ thống tiêu hóa và dẫn đến nhiều vấn đề khác ở hệ thống tiêu hóa''.
Nhiều người cho là lạ, tại sao lại dễ bị nhiễm loại vi khuẩn này? Làm thế nào để chúng đi vào dạ dày của chúng ta?
''Trên thực tế, vi khuẩn Helicobacter pylori có 3 đường lây truyền:
- Đường miệng - miệng: Đây là đường lây truyền chủ yếu của vi khuẩn HP, lây lan do tiếp xúc nước bọt hay dịch tiết đường tiêu hóa của người nhiễm và người lành. Thông thường trong gia đình có người nhiễm HP thì khả năng những người khác cũng nhiễm là rất cao.
- Đường phân - miệng: Vi khuẩn đào thải qua phân và là nguồn lây lan sang cộng đồng, do thói quen sinh hoạt ăn đồ sống nên có thể bị nhiễm vi khuẩn HP.
- Đường khác: Có thể bị lây nhiễm do khám chung các thiết bị y tế như nội soi dạ dày, tai mũi họng, dụng cụ nha khoa...'', BS. Nam cho biết.
4 hành vi phổ biến khiến bạn dễ dàng bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori
1. Thường xuyên ăn thức ăn thô
Nhiều người thường thích ăn đồ sống như sashimi, hàu sống, trứng chảy hay bít tết vừa chín tới, quả thực loại đồ ăn này cũng có hương vị đặc trưng, nhưng cần phải chú ý vệ sinh.
Một số nhà hàng/cửa hàng không vệ sinh, khử trùng, tiêu độc cẩn thận, nếu ăn phải loại thực phẩm chưa qua xử lý rất dễ đưa vi khuẩn Helicobacter pylori vào cơ thể người.
2. Thường xuyên ăn đồ cay
Không ăn cay là không được là sở thích của nhiều người, họ không có hứng thú với những món ăn nhạt nhẽo, chỉ những loại ớt, lát gừng, trà đậm, rượu… mới có thể khơi dậy cảm giác thèm ăn và khiến họ thưởng thức bữa ăn ngon miệng hơn.
Tuy nhiên, thói quen ăn uống này cũng sẽ gây hại cho niêm mạc dạ dày của chúng ta, làm giảm khả năng miễn dịch của dạ dày, tạo cơ hội cho vi khuẩn HP xâm nhập và sinh sôi.
3. Chế độ ăn uống không hợp vệ sinh
Mặc dù bây giờ, nhiều người đã bắt đầu chú ý đến vệ sinh an toàn thực phẩm, nhưng trong cuộc sống có những lúc họ thả lỏng cảnh giác, ví dụ như khi đi ăn ở ngoài, rất khó để đảm bảo vệ sinh của các nguyên liệu, hay sử dụng đũa bát công cộng...
Nhiều nước phương Tây đã quen với việc dùng bộ dụng cụ cá nhân khi ăn, kể cả là ăn ngoài hàng và mỗi người ăn phần ăn riêng. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa chú trọng đến việc này. Trong các gia đình vẫn thường ăn chung một đĩa thức ăn, dùng chung đũa bát hay gắp thức ăn cho nhau mà không hề bận tâm đến sự lây lan của vi trùng.
Trên thực tế, vi khuẩn Helicobacter pylori có thể tồn tại trong răng và nước bọt của chúng ta, và nó sẽ lây lan sang cơ thể của người cùng bàn qua đường ăn uống.
4. Không rửa tay sau khi đi vệ sinh
Đối với thói quen rửa tay sau khi đi đại tiện, nhiều trẻ em có thể làm tốt hơn người lớn. Một số người lớn cảm thấy phiền phức sau khi đi đại tiện nên chọn cách không rửa tay.
Nếu sau đó họ tiếp xúc với thức ăn, vi trùng tồn tại trong phân được chuyển đến tay và vào dạ dày của chúng ta, tạo thành một vòng tuần hoàn vô tận.
4 thói quen cần có để phòng tránh vi khuẩn HP
- Rửa tay thường xuyên
Dù là trước hay sau bữa ăn, hay sau khi đi đại tiện đều phải rửa tay kịp thời, nếu vừa đi ra ngoài về, việc đầu tiên khi về đến nhà là rửa tay, đừng tạo cơ hội cho vi khuẩn.
- Dùng đũa, bát thức ăn riêng
Mặc dù nhiều người thường có thói quen tụ tập đông người, khi ăn cơm ở nhà, một nhóm người ăn cùng nhau, nhưng để ngăn chặn sự xâm nhập của vi khuẩn Helicobacter pylori, mọi người nên chia nhỏ các phần ăn cho từng người và sử dụng bộ đồ ăn cá nhân.
- Thay đổi bộ đồ ăn thường xuyên và chú ý khử trùng
- Bổ dưỡng cho dạ dày
Các phương pháp trên tuy có thể tránh được sự xâm nhập của vi khuẩn từ các đường lây truyền nhưng quan trọng hơn là nâng cao khả năng chống nhiễm khuẩn của dạ dày bằng cách bổ sung chất dinh dưỡng tốt cho dạ dày.