Một số loại ung thư phổ biến ở nước ta gồm có ung thư phổi, ung thư gan, ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư cổ tử cung, ung thư máu... Thực tế, bất kỳ cơ quan nội tạng nào của con người cũng có thể bị xâm phạm bởi các tế bào ung thư.
Tuy nhiên, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã chỉ ra rằng, trong những năm đầu khởi phát bệnh, nếu chủ động chữa trị ngay thì có đến 40% bệnh nhân có thể được chữa khỏi, 40% tiếp theo có thể ngăn ngừa bệnh thông qua việc duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen sống tốt. Còn 20% còn lại vẫn có thể kéo dài sự sống của mình nhưng điều quan trọng là phải tìm ra bệnh từ sớm để chủ động chữa trị ngay.
Đặc biệt, trong cuộc sống hàng ngày, có tới 4 thói quen điển hình là tiền thân dẫn đến bệnh ung thư. Nếu bạn mắc phải một trong những thói quen dưới đây thì hãy thay đổi ngay từ bây giờ.
1. Nấu nướng cho nhiều gia vị
Việc cho nhiều gia vị vào trong quá trình nấu nướng thực tế không hề tốt cho các cơ quan nội tạng bên trong cơ thể. Lúc này, vị giác của bạn có thể được thỏa mãn nhưng về lâu dài, nó sẽ gây kích thích ruột, dạ dày, thực quản, gan và thận ở nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ, nếu lượng muối tiêu thụ vào cơ thể quá nhiều thì nó có thể gây ảnh hưởng đến việc tiết corticosteroid ở thận và làm chức năng giải độc của thận bị suy giảm.
Bên cạnh đó, thói quen ăn nhiều đường cũng dễ khiến cơ thể ngày càng béo hơn, gây ra tình trạng mỡ máu và làm tăng áp lực lên tim mạch, từ đó dần hình thành các bệnh về tim mạch, mạch máu não. Ngoài ra, thói quen ăn đồ cay và đồ lạnh trong thời gian dài cũng có thể gây kích ứng đường tiêu hóa và khiến chức năng tiêu hóa suy giảm. Khi nhiều bệnh khác nhau xuất hiện trong cơ quan nội tạng thì nguy cơ phát triển thành tế bào ung thư sẽ dần hình thành.
2. Thường xuyên tức giận, không kiềm chế được cảm xúc
Khi một người tức giận, quá trình tiết hormone của cơ thể sẽ bị rối loạn, gây tổn thương nghiêm trọng cho tim, gan, phổi, ruột và các cơ quan khác. Do đó, những người thường xuyên tức giận sẽ phải đối mặt với nguy cơ lão hóa sớm. Đồng thời, các cơ quan khác nhau trong cơ thể cũng dễ bị rối loạn chức năng, gây ra nhiều bệnh như suy gan, viêm dạ dày, đau thắt ngực... Nếu không kiểm soát kịp thời, nó sẽ dần xấu đi và tiến gần hơn đến bệnh ung thư.
3. Hay thức khuya
Với nhịp sống công việc và cuộc sống diễn ra nhanh, nhiều người phải thức khuya nhiều đêm để làm nốt việc dang dở. Nhưng cũng có người lại thường xuyên thức khuya để chơi game, xem phim... Điều này vô tình làm lệch nhịp đồng hồ sinh học, gây rối loạn nội tiết và làm giảm khả năng miễn dịch. Hậu quả là những người thường ngủ sau 12 giờ mỗi đêm có nhiều khả năng mắc các bệnh ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt...
4. Lười vận động, tập luyện
Thói quen ngồi lâu một chỗ mà lười vận động khiến cơ thể dần trở nên trì trệ hơn, kéo theo chức năng xương khớp suy yếu, gây ảnh hưởng tới cả vóc dáng cơ thể. Về lâu dài, cơ thể suy yếu sẽ tạo cơ hội cho các tế bào ung thư xâm chiếm. Đặc biệt, những người hay ngồi bất động tại chỗ sau bữa ăn cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư dạ dày, ung thư ruột và ung thư tuyến tiền liệt cao hơn.
Source (Nguồn): Sohu, Health