Các chuyên gia cho biết, so với tiểu tiện, các sai lầm dù nhỏ khi đại tiện mang lại nhiều hệ lụy cho sức khỏe hơn. Đặc biệt, môi trường sống và sự phát triển của công nghệ khiến cho thói quen đại tiện của người trẻ có nhiều thay đổi tiêu cực. Trong đó, có 4 thói quen phổ biến cần được sớm thay đổi sau đây:
1. Đi vệ sinh quá lâu
Với nhiều bạn trẻ, đi vệ sinh giờ đây không chỉ đơn giản là “giải quyết nỗi buồn” mà còn là khoảng thời gian để giải trí, chơi game, đọc báo... hay đơn giản là ngồi suy ngẫm về sự đời.
Trung bình, người không mắc các vấn đề về tiêu hóa mất khoảng 3 phút để đi vệ sinh nặng. Nhưng từ khi có điện thoại thông minh, thời gian đi vệ sinh nhanh hay chậm còn phụ thuộc vào thứ mà họ đang xem hoặc chơi trên điện thoại. Trong khi đó, rất ít người biết rằng, thời gian ngồi vệ sinh càng lâu, càng gây nguy hại cho sức khỏe.
Dùng điện thoại hoặc đọc sách báo khi đi vệ sinh khiến não bộ tập trung vào chúng mà quên đi "nhiệm vụ chính", làm rối loạn chức năng chỉ huy của não bộ và khiến việc dẫn truyền thần kinh bài tiết kéo dài. Điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh trĩ, giãn niêm mạc trực tràng, sa tử cung…
Ngoài ra, vi khuẩn trong nhà vệ sinh có thể dính vào điện thoại, sách báo... và tấn công con người.
2. Dùng quá nhiều sức khi đi vệ sinh
Ép cơ thể đi vệ sinh khi chưa đến lúc hoặc rặn quá mạnh là lỗi thường gặp của rất nhiều người.
Đừng nghĩ rằng nó vô hại, thực chất hành động này có thể gây trĩ, xuất huyết, nứt hoặc rách hậu môn, thậm chí là đột tử. Bởi vì dùng lực quá mạnh để đại tiện khiến các cơ liên quan và hệ tiêu hóa bị co thắt mạnh, đồng thời gây áp lực rất lớn cho vùng bụng, tăng huyết áp. Từ đó dễ xảy ra xuất huyết não, cơ tim tiêu hao nhiều oxy làm đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim và rối loạn nhịp tim nặng.
Nếu bạn bị táo bón hoặc gặp khó khăn vì phân rắn khi đi vệ sinh, hãy cố gắng thay đổi thói quen sinh hoạt, uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau quả. Nếu vẫn không cải thiện, tốt nhất bạn nên đến gặp bác sĩ để được hỗ trợ.
3. Làm sạch hậu môn sai cách
Đầu tiên, việc chỉ sử dụng giấy vệ sinh không loại bỏ hoàn toàn các chất bẩn. Hơn nữa, môi trường nhà vệ sinh thường ẩm thấp, lâu ngày giấy vệ sinh có thể bị ẩm, trở thành nơi vi khuẩn sinh sôi, gây ra viêm nhiễm vùng kín, lở loét hậu môn, vi khuẩn xâm nhập vào trong cơ thể.
Tốt nhất là nên kết hợp việc làm sạch với cả nước và giấy vệ sinh, nên chọn loại giấy chất lượng tốt, để giấy xa bồn cầu, nơi thoáng mát, thường xuyên thay mới.
Đặc biệt, rất nhiều người thường lau chùi sai hướng khi dùng giấy vệ sinh, đó là lau từ sau ra trước, dừng lại ở cơ quan sinh dục. Thực tế, phải lau theo hướng ngược lại tức từ trước ra sau để tránh các vi khuẩn trong phân xâm nhập vào niệu đạo, gây bệnh nam khoa, phụ khoa hoặc nhiễm trùng âm đạo và đường tiết niệu.
Nhất là với chị em phụ nữ, khi mà khoảng cách giữa hậu môn và niệu đạo rất ngắn, vi khuẩn có thể dễ dàng đi vào bàng quang và gây nhiễm trùng. Đồng thời, phụ nữ cùng dễ mắc bệnh về vùng kín hơn cũng như các bệnh này ảnh hưởng nhiều đến khả năng sinh sản nhiều hơn nam giới.
4. Xử lý giấy vệ sinh đã dùng sai cách
Đa số chúng ta thường bỏ giấy vệ sinh đã dùng sau khi đại tiện hay tiểu tiện vào thùng rác, nhưng việc quan trọng là đổ rác hàng ngày và làm sạch thùng rác thường xuyên thì không phải ai cũng làm được.
Thực chất, phân người chứa hàng nghìn loại vi khuẩn và cả virus gây hại. Môi trường nhà tắm ẩm ướt cũng tạo điều kiện cho chúng sinh sôi nhanh, lại dễ bám vào các vật dụng thiết yếu như bông tắm, bàn chải đánh răng… nên rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Ngoài ra, bản thân giấy vệ sinh đã sử dụng cũng gây ô nhiễm không khí, tạo ra mùi khó chịu ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Nhưng cũng đừng vì vậy mà bỏ giấy vệ sinh xuống bồn cầu, rất dễ gây tắc nghẽn. Tốt nhất là sử dụng thùng rác có nắp đậy, bọc túi rác trước khi bỏ giấy vệ sinh, thường xuyên cọ rửa thùng rác và vứt rác nhà vệ sinh ít nhất 1 lần mỗi ngày.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Daily Mail, QQ