Bác sĩ chuyên khoa ung bướu Pan Zhanhe (Trung Quốc) chia sẻ, câu “bệnh từ miệng mà ra” thật ra không phải là không có căn cứ khoa học. Đặc biệt, chế độ ăn uống có tác động rất lớn tới sự hình thành, tiến triển hoặc ngăn ngừa, hỗ trợ điều trị của các khối u. Hơn nữa, một số bệnh ung thư có thể phát ra các dấu hiệu trong quá trình ăn uống, nhờ đó chúng ta phát hiện và điều trị sớm hơn, hiệu quả hơn.
Trong đó, có 5 bất thường khi ăn uống nếu lặp đi lặp lại thì rất có thể là “lời cầu cứu” của cơ thể bởi bệnh ung thư, bác sĩ Pan nhắc nhở cần đặc biệt chú ý:
1. Khó nuốt, đau nhẹ phía sau xương ức
Rất nhiều người thường xem nhẹ cảm giác khó nuốt, tuy nhiên nếu nó lặp lại thường xuyên thì rất có thể bạn đang phải đối mặt với bệnh ung.
Ảnh minh họa
Khi ở giai đoạn đầu, người bệnh vẫn có thể nhai, nuốt thức ăn qua thực quản một cách nhẹ nhàng và chỉ có cảm giác vướng, đau khi nuốt. Tuy nhiên, khi bệnh tiến triển nặng hơn thì ngay cả thức ăn dạng lỏng cũng không thể đi qua thực quản để xuống dạ dày, người bệnh sẽ không ăn uống được và nôn liên tục. Thậm chí nuốt nước bọt cũng cảm thấy đau và khó thực hiện.
Bác sĩ Pan giải thích, khó nuốt thực chất là một thuật ngữ trong y học. Nó chỉ tình trạng khó khăn khi thực hiện hành động nuốt thức ăn, nước uống ở người bệnh. Thông thường, người bệnh gặp phải chứng khó nuốt khi mắc phải các bệnh lý ở vùng thực quản, do sự chèn ép vào thực quản hoặc bệnh lý ở vùng hầu họng gây ra. Đặc biệt phổ biến với ung thư thực quản.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS), khó nuốt, cảm giác có dị vật trong cổ họng là triệu chứng đặc hiệu, gặp ở hầu hết bệnh nhân ung thư thực quản. Triệu chứng này sẽ có mức độ khác nhau tùy vào từng giai đoạn của bệnh.
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng cảnh báo rằng chứng khó nuốt cũng có thể liên quan đến các sự cố nghẹt thở, trào ngược dạ dày thực quản. Vì vậy, trong một số trường hợp nó cũng có thể là dấu hiệu của bệnh về phổi như viêm phổi, ung thư phổi hoặc bệnh dạ dày.
2. Chán ăn, ăn không ngon miệng
Có thể bạn chưa biết, chán ăn, bị giảm hoặc mất khẩu vị, ăn gì cũng không ngon miệng là tình trạng thường gặp ở bệnh nhân ung thư. Dấu hiệu này sẽ xuất hiện một cách rõ ràng, có thể xuất hiện trong bất kỳ thời điểm hoặc bữa ăn nào trong ngày. Nó cũng thường đi kèm với cảm giác mệt mỏi không rõ nguyên nhân, sụt cân nhanh.
Dẫn lại cảnh báo từ Hiệp hội Ung thư Mỹ, bác sĩ Pan cho biết tình trạng này thường phổ biến nhất ở người bệnh ung thư phổi, nhất là loại ung thư phổi tế bào không nhỏ di căn. Đồng thời, cũng có nhiều bệnh ung thư khác có thể gây ra cảm giác chán ăn bao gồm ung thư dạ dày, ung thư gan, ung thư tuyến tụy.
Khi không còn cảm giác ngon miệng dẫn tới bạn ăn ít hơn, dinh dưỡng kém hơn, mất khối lượng cơ, mỡ, giảm sức cơ và sụt cân nhanh chóng. Tình trạng chán ăn này cũng là yếu tố dẫn đến tình trạng suy mòn thường gặp ở bệnh nhân ung thư.Tuy nhiên, lại thường bị xem nhẹ bởi nhầm lẫn với mệt mỏi, chán ăn do tâm trạng, ốm vặt… thông thường.
3. Cảm thấy thức ăn có mùi hoặc vị lạ
Bác sĩ Pan cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến miệng có vị lạ, không cảm nhận được đúng mùi vị của thức ăn như: tiểu đường, cảm cúm, quá căng thẳng, nhiễm trùng nấm men, vệ sinh răng miệng kém, tác dụng phụ của thuốc, đang mang thai… Tuy nhiên, nếu tình trạng này cứ lặp lại nhiều lần mà không tìm ra nguyên nhân hoặc không biến mất sau khi đánh răng sạch hoặc ngừng dùng thuốc thì rất có thể là do bệnh ung thư.
Ảnh minh họa
Phổ biến nhất là ung thư miệng với cảm giác ăn gì cũng thấy đắng nhẹ kèm mùi như thịt thối phảng phất trong khoang miệng. Đồng thời, miệng sẽ xuất hiện nhiều vết loét lâu lành, có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trong khoang miệng.
Ngoài ra, một số trường hợp ung thư tuyến tụy, ung thư gan cũng khiến bệnh nhân có cảm giác nhiều vị lạ trong miệng, ăn gì cũng mất ngon. Thường gặp nhất là vị đắng, vị mặn, chua hoặc giống như mùi vị của kim loại. Bệnh sẽ đi kèm đau bụng dai dẳng khi ăn no, đầy hơi hoặc cũng có thể là rối loạn tiêu hóa ngay sau khi ăn xong.
4. Buồn nôn và nôn
Nhiều người có xu hướng cho rằng đồ ăn có vấn đề hoặc là dấu hiệu mang thai khi đang ăn mà cảm thấy buồn nôn hoặc bị nôn. Nhưng nếu không phải do 2 nguyên nhân này nhưng bạn thường xuyên buồn nôn, nôn mửa trong các bữa ăn thì tốt nhất là nên đi tầm soát ung thư càng sớm càng tốt.
Bệnh ung thư phổ biến nhất liên quan đến dấu hiệu này khi ăn là ung thư dạ dày, nguy cơ đặc biệt cao ở người trên 45 tuổi. Bởi vì khi ung thư dạ dày xảy ra, rất dễ gây tắc nghẽn môn vị, gây cảm giác buồn nôn. Trong giai đoạn đầu, nôn mửa thường xuất hiện trong khoảng 1 giờ sau ăn. Khi bệnh nặng, ngay cả trong khi ăn uống cũng có thể gây nôn dữ dội kèm đau vùng giữa bụng, trên rốn.
Bác sĩ Pan nhắc nhở thêm, trong một số trường hợp, buồn nôn hoặc nôn mửa mỗi khi ăn uống còn có thể là dấu hiệu của ung thư gan, ung thư túi mật, ung thư tụy. Các bệnh này sẽ đi kèm với sụt cân, chán ăn, lúc nào cũng có cảm giác mệt mỏi và thiếu máu.
5. Đau bụng, đầy hơi và ăn rất nhanh no
Trong khi ăn thấy đau bụng và đầy hơi rõ rệt, bạn cần phải hết sức cảnh giác với các khối u liên quan đến bài tiết, tiêu hóa. Phổ biến như ung thư dạ dày, ung thư tuyến tụy, ung thư đại trực tràng, ung thư ruột…
Người có bệnh ung thư đại trực tràng sẽ thường xuyên xuất hiện các cơn đau đáng kể ở bụng, bao gồm cả lúc đang ăn uống. Cơn đau do ung thư đại trực tràng hoặc ung thư ruột sẽ gây cảm giác co thắt, đau thành từng cơn. Đặc biệt là ăn càng no thì cảm giác đau đớn càng dữ dội, đi kèm với mệt mỏi và các rối loạn tiêu hóa như tiêu chảy, đi ngoài phân đen, khó đi tiêu…
Ảnh minh họa
Còn với ung thư dạ dày, bác sĩ Pan cho biết rằng ngay khi ăn uống bất kỳ thứ gì bệnh nhân sẽ cảm nhận được cảm giác đau từ trung bình đến dữ dội. Vì dạ dày nằm ở giữa bụng, trên rốn một chút nên cơn đau sẽ tập trung ở khu vực này. Ung thư dạ dày cũng khiến bệnh nhân có cảm giác đầy bụng, rất nhanh no dù chưa ăn nhiều.
Nguồn và ảnh: QQ, BestLife, Family Doctor