Thận được nhiều người ví như "trân châu" của cơ thể vì tầm quan trọng của nó với sức khỏe. Chúng giúp lọc máu và đào thải độc tố ra ngoài thông qua đường nước tiểu, giúp sức khỏe luôn ổn định. Nếu không có thận làm việc này, các độc tố sẽ tích tụ và gây nôn mửa, chóng mặt, mệt mỏi… và thậm chí là tử vong vì bệnh thận.
Tuy giữ vai trò vô cùng quan trọng nhưng thận lại là bộ phận dễ tổn thương nhất. Đa phần nguyên nhân gây bệnh thận đều đến từ những thói quen sinh hoạt, vận động và sử dụng thuốc của mỗi người. Có thể khẳng định rằng, bảo vệ thận cũng chính là bảo vệ sức khỏe tổng thể, giúp bạn kéo dài tuổi thọ.
Trước khi "lâm bệnh", thận luôn cố gắng phát tín hiệu ra ngoài bằng một số dấu hiệu dễ thấy. Tiếc là nhiều người không hay biết hoặc cố tình lờ đi, khiến bệnh thận nhanh chóng phát triển và ảnh hưởng đến khả năng điều trị. Theo Tổ chức Thận Quốc gia Mỹ (NKF), sau đây là 5 dấu hiệu bệnh thận điển hình:
5 dấu hiệu bệnh thận ai cũng dễ bỏ qua
1. Thấy mệt mỏi hơn thường xuyên
Mệt mỏi là tình trạng mà ai cũng gặp hàng ngày. Tuy nhiên nếu bạn thấy cơ thể đuối sức hơn thường ngày, làm gì cũng không tập trung nổi thì rất dễ là do bệnh thận. NFK cho biết, lúc này thận đang gặp vấn đề khiến độc tố không thể thải ra ngoài, ảnh hưởng đến những chức năng bình thường của cơ thể.
2. Khó ngủ, mất ngủ
Khi thận hoạt động bất thường, độc tố sẽ không được thải ra khỏi cơ thể qua nước tiểu và tồn tại ở trong máu. Mức độ độc tố tăng khiến cơ thể khó đi vào giấc ngủ. Ngoài ra, những người mắc bệnh thận mãn tính còn mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, ngáy lớn hoặc ngáy kéo dài liên tục trong một đêm.
3. Khô da kèm theo ngứa ngáy
NKF chia sẻ, khi thận khỏe mạnh, chúng sẽ tạo ra các tế bào hồng cầu và duy trì lượng khoáng chất thích hợp trong cơ thể. Nếu da ngứa và khô liên tục, đây là dấu hiệu cảnh báo thận hoạt động chưa tốt để duy trì sự cân bằng các khoáng chất và chất dinh dưỡng. Lâu ngày sẽ dẫn tới bệnh thận nặng và bệnh xương khớp.
4. Sưng ở bàn chân, bàn tay và mắt
Khi chức năng thận bị suy giảm, cơ thể sẽ không đào thải hết độc tố và chất lỏng ra ngoài. Dẫn đến việc natri bị giữ lại trong cơ thể và gây nên tình trạng ứ dịch, gây sưng ở bàn chân, bàn tay và tạo bọng mắt. Phù nề các chi dưới cũng có thể cảnh báo bệnh tim và bệnh gan sớm.
5. Có nhiều thay đổi khi đi tiểu
Thận có nhiệm vụ sản xuất nước tiểu và loại bỏ chất thải qua đường tiểu. NKF khuyến cáo, bạn đừng bỏ qua những thay đổi về tần suất đi tiểu, mùi, màu sắc và các thay đổi khác của nước tiểu như: Tăng số lần đi tiểu, đặc biệt là vào ban đêm, thấy máu trong nước tiểu hoặc nước tiểu có nhiều bọt...
Những cách giúp thận luôn khỏe mạnh
Bệnh thận là một "sát thủ thầm lặng", gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Theo Justin Choi – chuyên gia dinh dưỡng tại chuyên trang sức khỏe nổi tiếng Healthline (Mỹ), có một số cách đơn giản giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh thận bạn có thể duy trì hàng ngày.
- Tập thể dục hàng ngày: Đây là giải pháp lành mạnh nhất để phòng ngừa và cải thiện nhiều loại bệnh. Bạn có thể tham gia bất kỳ hình thức vận động nào, chẳng hạn như đi bộ, chạy xe đạp, tập gym… để cơ thể được hoạt động và tăng cường trao đổi chất.
- Ăn uống lành mạnh: Thận sợ nhất là ăn mặn, cho nên bạn hãy ăn muối ít hơn hàng ngày, chỉ nên ăn 5-6g muối/ngày là tốt nhất. Ngoài ra cũng cần hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn ngoài hàng quán vì chúng thường bị cho nhiều muối để tăng cường hương vị.
- Không hút thuốc: Hút thuốc làm lưu lượng máu tới thận bị chậm lại. Khi ít máu đến thận sẽ làm giảm khả năng hoạt động của thận. Hút thuốc cũng làm tăng khoảng 50% nguy cơ ung thư thận.
- Không lạm dụng thuốc uống: Nhiều người rất hay lạm dụng thuốc mỗi khi đau ốm để nhanh khỏi. Tuy nhiên việc uống nhiều thuốc sẽ làm thận bị quá tải, gây tổn thương thận và sản sinh bệnh thận.
Theo Healthline, Indiatimes, NKF