Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn tới sự xuất hiện của bệnh ung thư, chẳng hạn như do di truyền hoặc các yếu tố môi trường tác động.
Theo nghiên cứu của Viện Ung thư Quốc gia Mỹ, có ít nhất 30% các trường hợp ung thư là do chế độ ăn uống. Ung thư đại trực tràng, tuyến tiền liệt, dạ dày, tuyến tuỵ… đều có liên quan mật thiết đến việc ăn uống.
Vậy làm như thế nào để bổ sung các chất dinh dưỡng giúp ức chế sự hình thành của các tế bào ung thư? Câu trả lời chính là ngoài việc lựa chọn nguyên liệu phù hợp, bạn còn phải nấu nướng đúng cách để bảo toàn được các chất dinh dưỡng.
Trái cây, rau củ nhiều màu sắc, chống ung thư hiệu quả
Theo báo cáo của các nghiên cứu dịch tễ học, những người có nguy cơ bị ung thư thường ít ăn các loại thực phẩm như rau xanh, rau họ bông cải (bắp cải, súp lơ…), xà lách, cà rốt, trái cây tươi.
Trương Tư Lan, một chuyên gia dinh dưỡng tại Bệnh viện Cathay General Đài Loan chỉ ra rằng: “Trái cây tươi và rau củ là những loại thực phẩm phòng chống ung thư hiệu quả và hợp túi tiền nhất. Nó chứa nhiều chất phytochemical, chẳng hạn như flavonoid (được tìm thấy trong rau củ, trái cây có màu vàng, đỏ, tím) có tác dụng chống oxy hóa mạnh, giúp ngăn ngừa ung thư, kháng khuẩn, chống dị ứng”.
Chất flavonoid bao gồm anthocyanins, catechin, isoflavone và quercetin. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những chất dinh dưỡng này có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, nội mạc tử cung, tuyến tiền liệt, ung thư phổi và ức chế sự phát triển của các khối u.
Ngoài ra, những loại rau họ cải (súp lơ, cải xoăn, bắp cải) chứa nhiều chất phytochemical như sulfide hữu cơ có thể giúp ngăn ngừa ung thư vú và tuyến tiền liệt.
Chu Du Bội, chuyên gia dinh dưỡng tại Trung tâm Kiểm tra Sức khỏe Lian An, Đài Loan nhấn mạnh rằng: “Thực phẩm tốt nếu nấu sai cách dù ăn nhiều cũng không có tác dụng chống ung thư, thậm chí còn tạo ra độc tố”.
Sau đây là một số loại rau rủ thường bị chế biến sai cách nhất, vô tình làm mất đi các chất dinh dưỡng chống ung thư:
1. Tỏi: Chiên trong dầu ở nhiệt độ quá nóng sẽ phá huỷ chất allicin. Tỏi nên được ăn sống hoặc ngâm chua, người bị đau dạ dày và bị động kinh cần tránh.
2. Rau họ cải (súp lơ, bắp cải): Xào ở nhiệt độ quá cao sẽ làm mất đi các chất dinh dưỡng. Súp lơ, bắp cải nên được hấp cách thuỷ, không chiên ở nhiệt độ cao. Sau khi nấu chín cần ăn càng sớm càng tốt, không được để qua đêm hoặc hâm lại nhiều lần.
3. Cà chua: Lycopene là một chất chống oxy hóa tạo nên sắc tố màu đỏ cho cà chua. Vì thế, ăn cà chua chín đỏ sẽ tốt hơn ăn cà chua xanh.
4. Cà rốt: Cà rốt rất giàu caroten và các chất hòa tan, rất khó để cơ thể hấp thụ các chất dinh dưỡng chống ung thư chỉ bằng cách luộc chín. Thay vào đó, bạn nên chiên cà rốt ở nhiệt độ thấp, sau đó đem nướng, hoặc thêm thịt nấu cùng, chất đạm trong thịt sẽ giúp phân giải caroten.
5. Khoai tây: Trên vỏ khoai tây chứa nhiều chất chống oxy hóa mạnh như axit chlorogenic và axit gallic. Hợp chất này có thể bảo vệ sức khỏe tim mạch, giảm tổn thương cho tim bởi các gốc tự do gây ra. Ngoài ra, nó còn giúp ngăn chặn đột biến tế bào, ngăn ngừa ung thư. Tuy nhiên, nhiều người có thói quen gọt bỏ vỏ khoai tây, vô tình vứt vỏ những chất dinh dưỡng. Khoai tây chiên cũng chứa nhiều chất gây ung thư acrylamide, tốt hơn hết nên chế biến bằng cách luộc hoặc nướng.
Chuyên gia dinh dưỡng Chu Du Bội nhắc nhở rằng, kỹ năng nấu nướng quyết định khả năng chống ung thư của các nguyên liệu.
Bên cạnh đó, ông còn khuyến nghị mọi người nên hạn chế ăn gạo tinh chế, mỳ, đường, ăn ít nhất một bữa ngũ cốc nguyên hạt mỗi ngày. Điều này không chỉ giúp tăng lượng chất xơ tốt cho cơ thể mà còn cung cấp các khoáng chất để giảm gánh nặng về đường huyết. Đặc biệt, chế độ ăn này có lợi cho người bị béo phì, giảm nguy cơ ung thư tuyến tụy.