Bánh trung thu là món ăn không thể thiếu trong ngày rằm tháng 8 của nhiều gia đình người Việt. Đây là thứ quà ngon nhưng xét về mặt sức khỏe thì cả bánh nướng và bánh dẻo đều là thực phẩm nên thưởng thức một cách chừng mực chứ không nên lạm dụng.
Ảnh minh họa
Thành phần chính của bánh trung thu là bột, đường, bơ, mỡ lợn. Một chiếc bánh dẻo nhân thập cẩm khoảng 170gam, nó cung cấp 566kcal, 16,3g đạm, 6,6g lipid, 110,2g glucid; một bánh dẻo một trứng đậu xanh khoảng 176g chứa 648 Kcal (năng lượng gấp 2 – 2,5 lần bát phở bò).
Còn trong một bánh nướng 176g thập cẩm cung cấp 706kcal, 18g đạm, 31,5g lipid và 87,5g glucid; một bánh nướng đậu xanh một trứng 176g cung cấp 648 Kcal, 19,5g protid, 27,5g lipid, 80,6g glucid. Lượng bột đường của một chiếc bánh dẻo hoặc một bánh nướng bằng 2-3 bát cơm (một bát cơm 258 g), đường lại chủ yếu ở dạng đường hấp thu nhanh gây tăng đường huyết nhanh.
Với những thành phần dinh dưỡng trên, các chuyên gia khuyến cáo những người bị bệnh tiểu đường, thừa cân, tăng mỡ máu, cao huyết áp, bệnh mạch vành, thừa cân béo phì… nên hạn chế hoặc tốt nhất là tránh dùng bánh trung thu. Ăn cùng lúc quá nhiều bánh trung thu có thể khiến bệnh xơ vữa động mạch trở nên tồi tệ hơn, gây đột quỵ hay nhồi máu cơ tim. Trẻ nhỏ và người già cũng không được lợi khi ăn nhiều món quà này.
Ngoài ra, các chuyên gia khuyến cáo không ăn bánh trung thu trong các trường hợp sau:
Không ăn lúc đói
Nhiều người háo ngọt nhìn thấy bánh trung thu là muốn ăn ngay, thậm chí ăn thay cho bữa sáng, nhưng ăn đồ ngọt lúc đói sẽ làm bạn mất đi một lượng lớn vitamin B - loại vitamin giúp chuyển hóa đường thành năng lượng hữu ích. Việc ăn bánh Trung thu lúc này chẳng những khiến bạn mệt mỏi, uể oải hơn mà còn làm cho bạn tăng cân do đường chuyển hoá thành chất béo.
Không ăn ngay sau bữa cơm
Sau khi ăn cơm, lượng tinh bột và đường đã đủ. Nếu bạn ăn bánh trung thu ngay sẽ khiến đường tăng cao trong máu, năng lượng dư thừa sẽ chuyển thành chất béo dự trữ không tốt cho huyết áp. Tốt nhất bạn nên thưởng thức bánh trung thu sau 3h ăn cơm và ăn kèm cùng hoa quả.
Không ăn sau 19h
Buổi tối, nhất là khoảng thời gian sau 7h tối, cơ thể của chúng ta sẽ vận động ít hơn. Việc ăn bánh Trung thu lúc này sẽ biến năng lượng đó thành dư thừa, thay vì tiêu hao cho các hoạt động, nó sẽ tích tụ thành chất béo và gây tăng cân, không tốt cho huyết áp.
Không ăn quá nhiều
Một chiếc bánh trung thu 120g cung cấp khoảng 700-900 calo, trong khi 1 người trưởng thành năng lượng cần khoảng 2000 calo cho 1 ngày. Nếu ăn quá nhiều bánh sẽ dẫn đến tăng cân, không tốt cho huyết áp nói riêng và cả sức khỏe của bạn nói chung…
Không ăn cùng trà đặc, cà phê và nước có ga
Cà phê, trà đặc hay nước ngọt có gas nếu kết hợp với bánh trung thu sẽ gây hại cho sức khỏe. Bởi nhiều caffein hay chất kích thích luôn là kẻ thù của huyết áp cao. Thay vì những loại nước không tốt đó bạn có thể kết hợp bánh Trung thu với các loại nước ép trái cây tươi.
Không ăn bánh quá hạn
Bánh trung thu được làm với nhân thập cẩm, trong đó có mứt, đường và có thể có trứng, những thành phần này thời gian bảo quản rất ngắn (nhanh biến đổi) rất dễ gây nên các vấn đề về tiêu hóa ảnh hướng xấu đến sức khỏe.
2 món được khuyên nên ăn cùng bánh trung thu
Nên ăn bánh và uống trà không pha đặc
Trà mạn thường được pha cùng để thưởng thức với bánh trung thu (tuy nhiên không pha đặc). Nguyên nhân là do chất axit axetic có trong trà sẽ giúp hỗ trợ hệ tiêu hóa và ngăn ngừa mỡ tích tụ từ nguyên liệu của bánh. Vì vậy, thưởng thức trà cùng bánh sẽ giúp loại bỏ hay giảm đường, kích thích hệ thần kinh, tăng cường quá trình đốt chất béo.
Nên ăn cùng bưởi
Ít người biết rằng, bưởi khi ăn cùng với bánh trung thu sẽ có tác dụng áp chế bánh trung thu. Bưởi có tính thanh nhiệt, chứa nhiều Vitamin C và Vitamin A, giúp tăng sức đề kháng có lợi cho cơ thể.
Ăn bưởi sẽ giúp giảm cholesterol trong máu, giảm mỡ bụng và giảm cân hiệu quả, đồng thời giúp tiêu hao năng lượng nếu lỡ nạp vào cơ thể quá nhiều bánh trung thu.