Rượu, bia là loại đồ uống phổ biến trong các bữa tiệc tùng của ngày lễ, Tết. Uống một ít rượu hoặc bia có thể khiến cho con người ta cảm thấy thư giãn hơn, cởi mở hơn và dễ kết bạn hơn. Thế nhưng, loại đồ uống này có thể gây say với nhiều triệu chứng khó chịu.
Bác sĩ Nguyễn Hải Đan, chuyên khoa Nội tổng quát, giải thích: “Khi rượu bia đi vào cơ thể sẽ được 2 loại men ở gan chuyển hóa. Lần chuyển hóa đầu tiên sẽ tạo ra một chất có tính độc, lần chuyển hóa thứ 2 tạo ra một chất không gây độc. Quá trình chuyển hóa và phân giải rượu này sẽ giải phóng ra các chất gây viêm và làm thay đổi dẫn truyền thần kinh, từ đó gây ra các triệu chứng như đầy bụng, buồn nôn, nôn, chóng mặt, đau đầu hay thậm chí là rối loạn nhịp tim”.
Theo đó, bác sĩ Hải Đan đã chỉ ra 6 loại thực phẩm có tác dụng giải rượu “thần tốc” mà mọi người có thể áp dụng.
6 loại thực phẩm giúp giải rượu hiệu quả
1. Nước ép lê, nước cốt chanh ngọt và nước dừa
Nước ép lê, chanh ngọt, dừa giúp giải rượu hiệu quả (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Hải Đan cho biết tính tới thời điểm hiện tại, đây là công thức nước ép đầu tiên được khoa học chứng minh có thể làm giảm các triệu chứng do say rượu gây ra. Công thức loại nước ép này gồm 65% nước ép lê, 25% nước cốt chanh ngọt, 10% nước dừa.
2. Nước lọc
“Việc uống nước trước, trong và sau khi uống rượu sẽ giúp đẩy nhanh quá trình đào thải rượu ra khỏi cơ thể”, bác sĩ Hải Đan cho hay.
Nữ bác sĩ thông tin thêm, rượu bia là chất lợi tiểu, có thể gây mất nước và mất điện giải cho cơ thể. Chính vì thế, khi tiêu thụ rượu bia, chúng ta cần bổ sung thêm nước để bù vào lượng nước đã mất. Lượng nước cần bổ sung thêm tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người.
3. Trái cây giàu vitamin C
Các loại trái cây giàu vitamin C thường có vị chua, ví dụ như quất, chanh,... Bác sĩ Hải Đan cho biết: “Vitamin C giúp giảm stress oxy hóa ở gan, đồng thời đẩy nhanh quá trình phân hủy rượu, từ đó giúp rút ngắn và giảm các triệu chứng của say rượu”.
4. Trà atiso
Trà atiso giúp giảm các triệu chứng khó chịu do say rượu gây ra (Ảnh minh họa)
Theo bác sĩ Hải Đan, trà atiso có chức năng giải rượu do có các thành phần như cynarin, inulin, flavonoid. Các chất này sẽ khiến gan tăng tiết mật, từ đó tăng cường chức năng gan và đẩy mạnh quá trình đào thải chất độc do rượu.
Tuy nhiên, bác sĩ Hải Đan lưu ý rằng một số nghiên cứu cho thấy atiso không thực sự giảm được độc tính của rượu lên gan mà chỉ có thể hỗ trợ giảm triệu chứng khó chịu do say rượu gây ra. Do đó, trà atiso không phải là thuốc giải rượu hoàn toàn, mà chỉ là một biện pháp hỗ trợ.
5. Cà chua
Cà chua không chỉ giàu vitamin C mà còn chứa nhiều lycopene và các chất chống oxy hóa khác. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Alcoholism vào năm 2019, nước ép cà chua có tác dụng giảm độ cồn trong máu tương tự như nước ép cam.
Tuy nhiên, bác sĩ Hải Đan nhấn mạnh, cà chua không loại bỏ hay giảm thiểu được độc tính của rượu lên gan mà chỉ là một đồ uống bổ sung các chất nêu trên.
6. Trà xanh
Bác sĩ Hải Đan giải thích: “Trà xanh có chứa chất chống oxy hóa rất mạnh có tên là polyphenol. Hợp chất này có tác dụng giảm tình trạng viêm gan, tăng cường chức năng gan, đồng thời giúp tăng nhẹ hoạt tính men chuyển hóa phân giải rượu. Chính vì thế, trà xanh có thể giảm nhẹ các triệu chứng do say rượu gây ra”.
Lưu ý khác khi uống rượu bia
1. Không uống rượu khi bụng đói
Không nên uống rượu khi đói bụng (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Hải Đan đặc biệt lưu ý mọi người tuyệt đối không uống rượu bia khi bụng đói. Bởi khi dạ dày và ruột trống rỗng, rượu bia uống vào sẽ được hấp thụ hoàn toàn, nhanh chóng vào máu và làm tăng đột biến lượng cồn trong máu, từ đó dễ gây ra tình trạng viêm gan và rối loạn nhịp tim.
“Nếu muốn uống rượu bia, hãy đảm bảo ăn đủ 3 bữa chính mỗi ngày và ăn đầy đủ các loại năng lượng từ cơm, bún, phở, thịt, cá,... Đặc biệt là nên ăn thêm rau xanh và trái cây”, bác sĩ Hải Đan nhắn nhủ.
2. Những thực phẩm nên tránh khi uống rượu bia
Nữ bác sĩ chuyên khoa Nội tổng quát cho hay, để giảm thiểu các tác động có hại từ rượu lên gan cũng như giảm thời gian say rượu, mọi người không nên ăn các loại ngũ cốc, đậu và không uống cà phê kèm với rượu.
Cô giải thích: “Ngũ cốc và đậu, cà phê giảm hoạt tính men chuyển hóa phân hủy rượu nên có thể khiến bạn say nặng hơn và lâu hơn”.
Cô cũng nhắn nhủ: “Mặc dù có nhiều cách để giải rượu, nhưng thực tế những triệu chứng khó chịu do say rượu gây ra có rất nhiều và đa dạng trong khi mỗi một cách giải rượu sẽ làm giảm các triệu chứng khác nhau. Thêm vào đó, bất cứ cách giải rượu nào cũng không thể loại bỏ hoàn toàn độc tính rượu lên gan. Do đó, khi sử dụng rượu, hãy sử dụng trong ngưỡng an toàn”.
Ngưỡng cồn an toàn được bác sĩ Hải Đan đưa ra là không quá 2 ly/ngày đối với nam giới và 1 ly/ngày đối với nữ giới. 1 ly tương đương với 350ml bia hoặc 150ml rượu vang hoặc 45ml rượu mạnh. Đồng thời, một tuần chúng ta nên dành ra 2 ngày không uống rượu bia để gan có thời gian nghỉ ngơi và tái tạo các tế bào.