Theo đó, ngày 5/10, Wang Moumou, một cư dân của thị trấn Xingnong, huyện Jidong (thành phố Jixi, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc) và 8 người thân đã tụ tập tại nhà của mình để ăn món "canh chua" tự làm (một loại thực phẩm được làm từ mì bột ngô sợi to sau khi lên men). Được biết, món này đã được gia đình Wang ủ lên men trong tủ lạnh trong 1 năm rồi mới mang ra chế biến, khi đó nó đã bị nhiễm độc.
Sau khi 9 người xuất hiện tình trạng ngộ độc nghiêm trọng, được báo cáo cho cơ quan chính quyền, cơ quan công an kiểm tra chất chiết xuất tại hiện trường, không tìm thấy chất độc hại và loại trừ khả năng bị đầu độc.
Món "canh chua" được Wang Moumou và 8 người thân tiêu thụ gây ngộ độc.
Sau khi xét nghiệm tại phòng thí nghiệm của bệnh viện, chất aflatoxin trong thực phẩm được xác định là vượt ngưỡng nghiêm trọng, kết quả sơ bộ kết luận nguyên nhân gây ngộ độc là do chất aflatoxin. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có tổng số 7/9 bệnh nhân tử vong sau khi điều trị không thành công, 2 người còn lại vẫn đang được cấp cứu nhưng trong tiên lượng xấu.
Sau sự việc, Chính quyền thành phố Jixi khuyến cáo người dân không nên để đông lạnh các nguyên liệu thực phẩm dễ bị nhiễm nấm Aspergillus flavus (tạo nên chất độc aflatoxin) trong thời gian dài (quá 3 tháng) và tuyệt đối không nên ăn các loại ngũ cốc và thực phẩm bị nhiễm Aspergillus flavus.
7 trong 9 người đã không qua khỏi dù được cấp cứu tại bệnh viện địa phương.
Aflatoxin: Chất kịch độc, gây ung thư sinh học mạnh nhất!
Năm 1993, aflatoxin được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) liệt vào danh sách các chất gây ung thư loại 1. Aflatoxin là một trong những chất gây ung thư mạnh nhất được tìm thấy cho đến nay, độc tính của nó mạnh hơn gấp 10 lần so với kali xyanua và 68 lần so với asen, vượt xa thuốc trừ sâu asen và phốt pho hữu cơ.
Chỉ 1mg aflatoxin có thể gây ung thư, và nếu vô tình tiêu thụ khoảng 20mg chất này trong khoảng thời gian ngắn, nó thậm chí có thể trực tiếp gây tử vong cho người trưởng thành. Aflatoxin có đặc tính bền nhiệt cao, do đó, nhiệt độ nấu nướng thông thường không thể loại bỏ độc tố của nó.
4 loại thực phẩm chứa aflatoxin mà nhà nào cũng có
1. Lạc, ngô mốc
Aflatoxin ẩn chứa trong thực phẩm bị mốc, đặc biệt là các loại thực phẩm nhiều tinh bột, điển hình và phổ biến nhất là lạc và ngô. Tinh bột trong lạc và ngô có thể sinh ra nấm Aspergillus flavus, từ đó loại nấm này phát triển và sản sinh aflatoxin gây ung thư gan trong môi trường nóng ẩm.
Do đó, tốt nhất nếu gia đình bạn có lạc mốc, ngô mốc thì đừng ngần ngại vứt cả túi lạc hay bắp ngô đó đi vì hành động cắt bỏ, loại bỏ phần bị mốc là hoàn toàn vô tác dụng. Điều này là do chất độc này có thể dễ dàng phát tán dưới dạng bao tử nấm, ngấm sâu và lan rộng ra các hạt lạc, hạt ngô xung quanh.
2. Gạo, cơm hỏng
Gạo, cơm hỏng, giảm chất lượng rất có thể tạo ra độc tố aflatoxin do gạo cũng là thực phẩm giàu tinh bột, dễ tạo thành môi trường thuận lợi cho sự phát triển của nấm Aspergillus flavus. Vì vậy, bạn cần cân nhắc đến việc có nên ăn cơm thừa từ ngày hôm trước hay không.
3. Các loại hạt, ngũ cốc bị đắng
Nếu ăn phải các loại hạt, ngũ cốc có vị đắng, bạn phải nhả ra ngay và súc miệng kịp thời, vì vị đắng của các loại hạt này đều là do độc tố aflatoxin sinh ra trong quá trình ẩm mốc, nếu ăn thường xuyên sẽ làm tăng nguy cơ ung thư gan.
4. Các sản phẩm từ lạc chất lượng kém
Để giảm giá thành, một số cơ sở kinh doanh kém chất lượng đã sử dụng lạc mốc, hỏng để chế biến mè xửng, đậu phộng chiên, thậm chí ép ra thành dầu. Do aflatoxin rất bền nhiệt nên qua quá trình chế biến này, chất độc không hề bị phá hủy, vẫn có nguy cơ gây ngộ độc với lượng nhỏ và tử vong với lượng lớn.
5 chú ý để tránh nhiễm độc aflatoxin
1. Thường xuyên vệ sinh tủ lạnh và khử trùng. Tránh bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh lâu, thời gian giữ lạnh không quá 3 ngày, thực phẩm đông lạnh không quá 3 tháng.
2. Nên thay đũa và thớt gỗ thường xuyên.
3. Tránh ăn thực phẩm bị mốc hoặc các sản phẩm làm bằng nguyên liệu bị mốc.
4. Nếu chẳng may ăn phải các loại hạt có vị đắng như hạt dưa, hạt điều… thì nên nhả ra ngay và súc miệng bằng nước kiềm.
5. Ăn nhiều rau và trái cây giàu chất diệp lục trong cuộc sống hàng ngày, vì các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng chất diệp lục có thể phá vỡ cấu trúc của aflatoxin. Chẳng hạn như các loại rau lá xanh, cam quýt, chanh, cà rốt...
Nguồn tham khảo: CCTV, QQ, WHO, FDA, CDC, Healthline, Bệnh viện K. Ảnh: CCTV