Xem nhẹ lời khuyên của bác sĩ, 9X bị ung thư tuyến giáp di căn đáng tiếc
Lê Thị Hạnh (*), (sinh năm 1991, nhân viên văn phòng tại một công ty truyền thông ở Hà Nội) kể, sau sinh khoảng 9 tháng, cuối năm 2021, cô đi khám sức khỏe định kỳ theo quy định của công ty. Khi siêu âm tuyến giáp, bác sĩ phát hiện trường hợp của Hạnh có nhân thùy trái tuyến giáp (TIRADS 4 - Korean 2021), hạch nhóm VI hai bên.
Xem nhẹ lời khuyên của bác sĩ, 9X bị ung thư tuyến giáp di căn đáng tiếc. (Ảnh minh họa)
Bác sĩ có tư vấn Hạnh nên đi khám thêm nội tiết để chắc chắn tình trạng bệnh và có hướng xử lý kịp thời. Tuy nhiên, vì "xem thường", "không nghĩ là vấn đề nặng đến thế", "nếu bị K giáp thật sự thì cũng không đến nỗi như những bệnh ung thư khác", Hạnh bỏ bẵng đi một thời gian không khám lại.
Cô về nhà. Lối sống sinh hoạt vẫn lành mạnh: Ăn 3 bữa cơm/ngày, sáng đi làm, tối ngủ trước 11 giờ đêm. Hạnh thấy cơ thể mình khỏe mạnh bình thường, không có vấn đề gì. Vậy nên, Hạnh càng yên tâm bỏ qua luôn lời khuyên của bác sĩ.
"Bác sĩ bảo đi khám thêm nên mình nghĩ bệnh tình thực sự không nghiêm trọng", Hạnh nhớ lại.
Đến năm 2022, do công việc, Hạnh có dịp gặp gỡ và hỏi chuyện BS Nguyễn Văn Thái (chuyên ngành ung thư và phẫu thuật thẩm mỹ, làm việc tại Hà Nội). Khi tận mắt xem chẩn đoán của bác sĩ đã khám trước đó, là chuyên gia lâu năm trong nghề, BS Thái hiểu mức độ nghiêm trọng của bệnh. Anh yêu cầu Hạnh phải đi khám lại ngay để xem tình trạng thế nào. Khi nhận được kết quả, vị bác sĩ cũng sững sờ dù không nằm ngoài dự đoán. "Bác sĩ nói bệnh nặng rồi, phải mổ sớm thôi", Hạnh nhớ lại.
Ngày 25/12/2022, Hạnh được chẩn đoán ung thư tuyến giáp di căn. 2 ngày sau, cô được đưa vào phòng phẫu thuật, cắt bỏ toàn bộ tuyến giáp. Sau đó, suốt năm 2023, sức khỏe của Hạnh vẫn khá ổn. Thế nhưng trong hiện tại, cô bi quan một cách tích cực: "Hiện tại mình tạm ổn vì chỉ số ung thư vẫn ở mức cao".
Ngày 25/12/2022, Hạnh được chẩn đoán ung thư tuyến giáp di căn. (Ảnh minh họa)
"Mình thực sự hối hận vì đã không đi khám sớm, khám ngay khi bác sĩ khuyên. Để rồi hậu quả phải chịu là tình trạng K giáp di căn cả đời", Hạnh chia sẻ. Mặc dù vậy, cô luôn giữ vững tinh thần lạc quan, luôn mỉm cười thật tươi vượt qua bệnh tật.
Qua trường hợp của mình, Hạnh cũng khuyên mọi người, nhất là chị em phụ nữ sau sinh, nên chú ý sức khỏe của mình hơn. Nếu có dấu hiệu hoặc được cảnh báo từ chuyên gia, tuyệt đối không nên xem thường.
Vì sao hiện nay phụ nữ bị ung thư tuyến giáp rất nhiều?
BS Nguyễn Văn Thái chia sẻ, Hạnh đi khám lần đầu đã được xác định có tổn thương ở 2 thùy tuyến giáp kèm hạch cổ, u có tính nằm sâu, không thể mổ nội soi.
"Bệnh nhân cần phẫu thuật mổ mở để vét hạch. Khi thực hiện, bác sĩ cũng thấy đã xuất hiện hạch di căn. Rất đáng tiếc khi bệnh nhân không điều trị sớm hơn", BS Thái nói.
BS Nguyễn Văn Thái (chuyên ngành ung thư và phẫu thuật thẩm mỹ, làm việc tại Hà Nội). (Ảnh: BSCC)
Qua trường hợp này, BS Thái cũng cảnh báo, hiện nay phụ nữ bị ung thư tuyến giáp rất nhiều. Nguyên nhân bởi:
1. Phụ nữ dễ bị thay đổi nội tiết
BS Nguyễn Văn Thái cho biết, trong cuộc đời người phụ nữ sẽ có những thời điểm, giai đoạn cơ thể diễn ra nhiều thay đổi. Đáng kể nhất là thay đổi nội tiết do quá trình sinh đẻ, đến tuổi dậy thì, mãn kinh... Mất cân bằng của các hormone có thể gây ra sự tăng trưởng không kiểm soát của các tế bào tại tuyến giáp.
2. Phụ nữ dễ bị stress, áp lực
Áp lực, stress nói chung dẫn đến một loạt những hành vi tiêu cực như ngủ nghỉ, ăn uống không điều độ, thường xuyên thức khuya, bỏ bữa. Điều này cũng có thể dẫn đến những thói quen xấu như hành vi hút thuốc lá, uống rượu bia...
Tất cả những thói quen, hành vi kém lành mạnh do stress, áp lực nói chung gây ra sẽ tác động rất nhiều đến nội tiết. Điều này có thể tạo cơ hội cho ung thư tuyến giáp tìm đến cơ thể bạn nhanh hơn.
3. Ảnh hưởng của các tia phóng xạ khi chụp X-quang lồng ngực
Nhiều người đi chụp X-quang lồng ngực nhưng không được trang bị kiến thức che chắn cẩn thận vùng tuyến giáp. Điều này khiến tuyến giáp chịu ảnh hưởng của các tia phóng xạ, rất dễ mắc bệnh đáng tiếc.
"Tuyến giáp nằm ở vị trí rất nông, ngay dưới da. Khi chụp chiếu nếu không che chắn kỹ, vô hình trung là một trong những nguyên nhân gây bệnh K giáp", BS Thái nói.
Qua đây, chuyên gia cũng nhắc nhở, mọi người đi chụp X-quang cần đến bệnh viện, phòng khám uy tín, có đủ điều kiện thăm khám người bệnh, tránh rước họa vào thân.
(*) Tên nhân vật đã thay đổi