Ai cần thận trọng tiêm vắc-xin COVID-19?

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, với vắc-xin COVID-19 AstraZeneca, mũi tiêm thứ 2 sẽ được tiêm cách mũi thứ nhất sau 8 – 12 tuần và phải tiêm cùng 1 loại.

Công tác tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đang được Bộ Y tế triển khai quyết liệt đáp ứng công tác phòng chống dịch COVID-19. Để bảo đảm công tác tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại các cở sở khám chữa bệnh và cơ sở tiêm chủng trên toàn quốc an toàn, hiệu quả, sáng 19/6, Bộ Y tế tổ chức lớp tập huấn trực tuyến an toàn tiêm chủng vắc-xin COVID-19 cho các Sở Y tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến tỉnh.

GS.TS Nguyễn Văn Kính – Chủ tịch Hội Truyền nhiễm - cho biết, để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất, Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn Khám sàng lọc tiêm chủng vắc-xin COVID-19. 

Hướng dẫn này nhằm phát hiện và phân loại các đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng, đảm bảo "tiêm nhanh hơn, an toàn hơn" theo đúng chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ai cần thận trọng tiêm vắc-xin COVID-19? - 1

GS.TS Nguyễn Văn Kính

Ai cần thận trọng tiêm vắc-xin COVID-19?

Cụ thể, các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng phải được khám sàng lọc kỹ gồm: Người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác; người có bệnh nền, bệnh mạn tính được điều trị ổn định; người mất tri giác, mất năng lực hành vi; người trên 65 tuổi; người có tiền sử giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu; người có bệnh mạn tính có phát hiện thấy bất thường dấu hiệu sống như huyết áp cao, thấp, SpO2 thấp. 

GS Kính nhấn mạnh, những người này phải được tiêm chủng tại cơ sở y tế có điều kiện cấp cứu để tiêm và theo dõi tại đó.

Nhóm đối tượng trì hoãn tiêm chủng gồm: người đang mắc bệnh cấp tính, sốt hoặc mạn tính đang tiến triển và chưa kiểm soát được; người bị suy giảm khả năng đáp ứng miễn dịch nặng, ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù; trong vòng 14 ngày trước có điều trị corticoid liều cao hoặc điều trị hóa trị, xạ trị; người mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng; phụ nữ mang thai và phụ nữ đang nuôi con bằng sữa mẹ.

Tiêm vắc-xin COVID-19 cho lực lượng tuyến đầu chống dịch

Vắc-xin COVID-19 chống chỉ định với người có tiền sử phản vệ từ độ 2 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào; có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất.

Chuẩn bị sẵn bơm tiêm có Adrenalin tại mỗi điểm tiêm 

Để đảm bảo an toàn, Bộ Y tế cũng yêu cầu nhân viên y tế khám sàng lọc phải được tập huấn chuyên môn về khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Mỗi điểm tiêm cần phải có 1 bác sĩ lâm sàng.

Các điểm tiêm phải có những trang thiết bị tối thiểu để cấp cứu cơ bản. 

Theo đó, cần chuẩn bị hộp chống sốc; chuẩn bị sẵn 1 bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin (chống sốc phản vệ) 1mg/1ml (rút sẵn 1ml thuốc Adrenalin 1mg/1ml vào bơm tiêm gắn sẵn kim, đậy kín kim tiêm bằng nắp). Nếu có sự cố thì phải tiêm luôn, nhanh nhất có thể.

Kết thúc buổi tiêm chủng nếu không sử dụng đến cần phải hủy bỏ bơm tiêm có chứa dung dịch Adrenalin 1mg/1ml. Cùng đó, đội cấp cứu hỗ trợ, xử trí cấp cứu tai biến nặng sau tiêm chủng cũng phải sẵn sàng.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, với vắc-xin COVID-19 AstraZeneca, mũi tiêm thứ 2 sẽ được tiêm cách mũi thứ nhất sau 8 – 12 tuần. Hai mũi tiêm vắc-xin COVID-19 yêu cầu phải thuộc 1 loại, tức nếu mũi thứ nhất, người tiêm sử dụng vắc-xin AstraZeneca thì mũi thứ 2 cũng phải tiếp tục tiêm vắc-xin này.

Ngày 18/6, tại cuộc họp cho ý kiến về các vấn đề liên quan đến vắc-xin COVID-19, sau khi nghe Bộ Y tế báo cáo về việc rà soát lại chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 có quy mô lớn nhất trong lịch sử ngành Y tế, Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống COVID-19 nhấn mạnh trong chiến dịch này, tất cả các bộ, ngành, đặc biệt Bộ Quốc phòng, phải tích cực, chủ động tham gia.

Các địa phương có trách nhiệm tổ chức tiêm vaccine phòng COVID-19 theo đúng kế hoạch, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "có vắc-xin nhưng tiêm chậm".