Tăng cân xảy ra khi cơ thể hấp thụ nhiều calo hơn lượng lượng đốt cháy. Các nhà dinh dưỡng coi đây là lý thuyết cơ bản để kiểm soát cân nặng.
Tuy nhiên, mọi thứ không chỉ đơn giản như vậy. Một nghiên cứu mới đây đã phát hiện ra rằng thời gian bạn ăn cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giữ dáng. Theo các chuyên gia, những người ăn tối muộn sở hữu lượng đường trong máu cao hơn 20% và lượng chất béo đốt cháy giảm 10% so với người khác.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy ăn tối muộn có thể gây tăng cân và làm tăng lượng đường huyết trong máu, giảm đốt cháy calo.
Ăn muộn gây tăng cân
Một nghiên cứu được công bố gần đây trên Tạp chí Nội tiết & Chuyển hóa đã chỉ ra, dùng bữa muộn có liên quan đến tăng cân và làm tăng lượng đường huyết trong máu, dù khẩu phần ăn không thay đổi.
Jonathan C. Jun, bác sĩ, phó giáo sư tại Đại học Johns Hopkins kiêm tác giả của nghiên cứu cho biết: "Chúng tôi nhận thấy ăn muộn có liên quan đến bệnh béo phì và muốn tìm hiểu thêm liệu thói quen này có thực sự làm thay đổi quá trình trao đổi chất trong cơ thể hay không".
Những tình nguyện viên tham gia nghiên cứu được phân thành hai nhóm, mỗi nhóm ăn ở một thời điểm khác nhau. Tuy nhiên, họ đều lên giường đi ngủ vào lúc 11 giờ tối.
Thời gian dùng bữa khác nhau
Theo các nhà nghiên cứu, đây là bằng chứng mạnh mẽ cho thấy việc điều chỉnh thời gian dùng bữa có thể kiểm soát cân nặng và ngăn ngừa các bệnh mãn tính.
Kết quả của nghiên cứu cho thấy, lượng đường huyết trong máu cao hơn và lượng chất béo bị đốt cháy thấp hơn khi dùng bữa tối muộn, ngay cả khi khẩu phần ăn giống nhau. Theo tác giả Jonathan, nếu thời gian tiêu thụ thực phẩm lệch với đồng hồ sinh học của cơ thể, bạn sẽ không thể chuyển hóa glucose như bình thường.
Chenjuan Gu, tiến sĩ, nhà nghiên cứu sĩ tại Đại học Johns Hopkins cũng đã chỉ ra, hiện tượng này có thể dễ dàng nhận thấy ở những người mắc bệnh béo phì hoặc tiểu đường, nhóm người vốn đang gặp vấn đề về trao đổi chất.
Phần thú vị nhất của nghiên cứu này là không phải tất cả mọi người đều phản ứng với việc ăn muộn một cách giống nhau.
Theo tác giả Jonathan, những "cú đêm" có thói quen ăn muộn vào 2-3 giờ sáng dường như không bị ảnh hưởng mấy bởi việc dùng bữa muộn. Quá trình trao đổi chất của mỗi người không giống nhau. Do đó, bạn có thể nhận thấy sức khỏe của một số người bị ảnh hưởng vì ăn muộn, trong khi những người khác lại không sao.
Nghiên cứu này là lời giải thích sâu thêm về ảnh hưởng của thời gian tiêu thụ thực phẩm tới quá trình trao đổi chất, đốt cháy calo.
Điều chỉnh thói quen ăn uống
Khi phải làm việc cả ngày, bạn nên ăn một bữa ăn nhẹ vào buổi chiều để hạn chế cảm giác thèm ăn vào bữa tối diễn ra muộn hơn bình thường.
Lisa K. Diewald, chuyên gia dinh dưỡng kiêm người đứng đầu Trung tâm hướng dẫn và phòng chống béo phì MacDonald trực thuộc Đại học Villanova cho biết, mặc dù chỉ được thực hiện trên một nhóm nhỏ với các tình nguyện viên trẻ tuổi có cân nặng bình thường, nghiên cứu trên đã cung cấp cho chúng ta một số thông tin hữu ích để việc điều chỉnh thói quen ăn uống sao cho lành mạnh nhất. Phát hiện này rất có ý nghĩa trong phòng chống bệnh tật.
Đây là lời nhắc nhở cho tất cả mọi người về tầm quan trọng của thời gian ăn. Chúng có thể góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường và bệnh tim.
Theo chuyên gia Diewald, cho đến nay, bữa tối là bữa ăn đầy đủ nhất, cung cấp nhiều calo nhất đối với hầu hết mọi người. Những người bận rộn, có thói quen ăn bữa sáng và bữa trưa qua loa thường ăn muộn hơn và nhiều hơn trong bữa tối. Điều này có thể làm ảnh hưởng không nhỏ tới quá trình chuyển hóa glucose và chất béo trong cơ thể.
Chuyên gia Diewald khuyên, bạn nên có một bữa ăn nhẹ, giàu protein vào buổi chiều nếu biết bản thân sẽ bỏ lỡ thời gian dùng bữa tối. Đồng thời hãy đặt ra mục tiêu tăng khẩu phần ăn của bữa sáng hoặc bữa trưa nếu có thể.
Theo Healthline