Mới đây, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định 588 phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030", trong đó có nội dung khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, sớm sinh con. Bác sĩ Trần Vũ Quang, chuyên khoa Sản phụ khoa, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có những chia sẻ về câu chuyện "Sinh con trước tuổi 30, lợi ích gì?".
Sinh nở muộn sau tuổi 30
Sinh nở muộn có rất nhiều ảnh hưởng về mặt sức khỏe đối với người phụ nữ trong thai kỳ và cả hậu sản sau đó. Đồng thời, tác động xấu đối với thai nhi cũng không hề nhỏ chút nào.
Tôi đã gặp không ít các trường hợp người phụ nữ sinh nở muộn, nhất là trong những năm gần đây do tâm lý ngại kết hôn sớm của một bộ phận giới trẻ, đặc biệt là những người thuộc thế hệ từ 8x trở đi. Khá nhiều chị em tầm tuổi từ 35-40 mới sinh con đầu lòng.
Thực tế, việc sinh nở muộn có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu đối với sức khỏe của người phụ nữ trong thai kỳ và cả hậu sản sau đó. Bên cạnh đó, thai nhi cũng có nguy cơ gặp phải các tác động tiêu cực khó lường trước được.
Tôi có thể đưa ra một số vấn đề mà phụ nữ sinh muộn dễ gặp phải như sau:
1. Ngay trong giai đoạn thai kỳ
- Bệnh tiểu đường thai kỳ cao gấp nhiều lần so với phụ nữ sinh nở trước tuổi 30, bởi quá trình trao đổi chất diễn ra chậm hơn, khả năng ổn định đường huyết của cơ thể cũng giảm theo độ tuổi. Các bệnh lý cơ xương khớp, giãn tĩnh mạch, cao huyết áp cũng dễ mắc khi mẹ ở tuổi trên 30.
- Các bệnh lý viêm nhiễm phụ khoa kèm theo trong quá trình mang thai ở phụ nữ lớn tuổi dễ mắc hơn do đời sống tình dục thường xuyên và việc chăm sóc và thăm khám phụ khoa chủ quan.
- Với người phụ nữ ở độ tuổi gần đến thời kỳ tiền mãn kinh, hiện tượng rụng trứng ở phụ nữ trên 30, 40 xảy ra bất thường, dẫn tới khả năng mang đa thai cao hơn. Điều này làm tăng biến chứng thai kỳ. Thai phụ có thể đau khớp vệ nhiều hơn, khó sinh thường, giãn tĩnh mạch, khó khăn trong sinh hoạt thai kỳ, tăng nguy cơ băng huyết sau sinh và làm tăng biến chứng thai kỳ, cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe em bé sau sinh.
- Nguy cơ sảy thai, sinh non, sinh thiếu tháng, thai nhẹ cân cũng tăng lên khi mẹ bước qua tuổi 35.
- Thêm nguy cơ cực đáng sợ, việc sinh con sau tuổi 30 cũng sẽ vất vả hơn khi nhiều trường hợp được ghi nhận bị nhau tiền đạo (nhau thai che lấp một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung, có thể gây chảy máu ồ ạt nếu sinh thường); hay không có cơn co tử cung, suy tim thai. Đây chính là những lý do mà các mẹ có thai ở từ tuổi 30, 35, 40 trở đi thường được bác sĩ chỉ định phải mổ lấy thai.
Đối với thai nhỉ, tỷ lệ dị tật bẩm sinh của bé cũng tăng theo độ tuổi của mẹ.
Ngoài ra, đa số các vấn đề khi phụ nữ mang thai nhiều tuổi hay gặp là kèm theo các bệnh lý nội khoa khác nên việc theo dõi thai kỳ cả quá trình phải cẩn thận hơn nhiều lần. Khả năng giữ thai nhi trong dạ con cũng thấp hơn, nếu lạm dụng thuốc bổ, thuốc giữ thai hiển nhiên không tốt cho mẹ và thai nhi.
2. Sau thai kỳ thì cả người mẹ và em bé đều có những vấn đề phải gặp
- Đờ tử cung sau sinh, băng huyết và nguy cơ nhiễm trùng sau sinh tăng do sức đề kháng cơ thể mẹ kém.
- Tình trạng hậu sản mòn gặp nhiều hơn vì sự phục hồi sức khỏe và khả năng chăm sóc em bé sau sinh gặp nhiều khó khăn.
Chính vì sau tuổi 30, hay muộn hơn là sau tuổi 40, phụ nữ sinh con phải đối mặt với nhiều nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe nặng nề nên việc giữ gìn sức khỏe trước và trong khi mang thai rất quan trọng.
Độ tuổi nào hợp lý nhất để sinh nở?
Tuổi từ 20–29 là giai đoạn lý tưởng nhất để mang thai. Thời điểm này, phát triển của cơ thể đã hoàn thiện, chất lượng trứng cũng đạt mức tốt nhất, nguy cơ đột biến ít nhất, thai nhi phát triển tốt nhất, nguy cơ bị đẻ non, dị dạng, down, IQ thấp. Lúc này, cơ thể đã có đủ sức khỏe để thai nghén và bạn cũng đã đủ trưởng thành để ý thức được trách nhiệm của người mẹ.
Theo các nghiên cứu, một phụ nữ khỏe mạnh ở tuổi 20–29 dễ thụ thai và có thai kỳ tốt đẹp, đến gần tuổi 30 chỉ có 20% cơ hội thụ thai mỗi tháng, 40 tuổi thì cơ hội chỉ còn 5%. Bước sang tuổi 45, đa số muốn có con phải cần đến ít nhất một phương pháp hỗ trợ sinh sản là xin trứng của một người phụ nữ trẻ tuổi khác.
30 tuổi là mốc quan trọng trong tiến trình sinh sản của người phụ nữ. Bởi từ độ tuổi này chất lượng trứng giảm rõ rệt: số lượng trứng non phát triển thành trứng trưởng thành giảm do sự thay đổi nồng độ các hormone nội tiết của người phụ nữ ở tuổi 35 – 40; hệ quả là số lượng trứng có hiện tượng phóng noãn và rụng, tức là có khả năng thụ thai giảm.
Mặt khác, dù trứng chín và rụng, sự kết dính các nhiễm sắc thể với nhau của trứng vẫn có thể xảy ra. Bất thường nhiễm sắc thể là nguyên nhân khiến trẻ sinh ra mắc các hội chứng chậm phát triển trí não, vận động như Down, Edwards…
Mang thai là một giai đoạn đáng quý của cuộc đời. Nó không chỉ đem đến cho bạn niềm vui mà còn đem đến cho bạn ý thức trách nhiệm đối với sinh linh bé bỏng mới thành hình trong bụng. Vì vậy, trước khi bước vào giai đoạn vừa khó khăn vừa thú vị này, bạn cần phải chuẩn bị thật cẩn thận và cố gắng chọn đúng giai đoạn “tuổi vàng” để sinh nở.