Ngâm chân giúp thư giãn, giảm đau, giải cảm, xóa tan mệt mỏi, lưu thông khí huyết, ngủ ngon hơn. Vì vậy mà rất nhiều người trẻ, đặc biệt là dân văn phòng, các chị em đi giày cao gót, người phải đi lại hoặc vận động nhiều thường duy trì thói quen này.
Nhưng cũng không ít người đang tự hủy hoại sức khỏe của mình vì phạm phải những điều kiêng kỵ khi ngâm chân, nhẹ thì bị giãn tĩnh mạch, bỏng, nhiễm trùng, đau xương khớp, nặng thì mắc các bệnh tim mạch, nhồi máu não, thậm chí là hoại tử phải cắt bỏ chân. Nếu bạn hoặc người thân đang có những thói quen sau đây, hãy dừng lại ngay lập tức!
1. 4 đối tượng tuyệt đối không nên ngâm chân
Bốn nhóm người không nên ngâm chân nước nóng là:
- Người bị tiểu đường.
- Người bị suy giãn tĩnh mạch.
- Người bị tắc nghẽn động mạch.
- Người bị thương ở chân.
Với những người máu lưu thông kém, ngâm chân làm tăng nguy cơ tắc nghẽn hơn. Hay với người bị suy giãn tĩnh mạch, việc ngâm chân trong nước nóng sẽ tăng lưu lượng máu cục bộ, tăng gánh nặng lên tĩnh mạch khiến bệnh thêm trầm trọng.
Người mắc bệnh tiểu đường có lớp da chân mỏng, dây thần kinh và bàn chân không còn nhạy cảm nhiều với nhiệt độ nên rất dễ bị bỏng da. Hơn nữa, người bị bệnh này chỉ cần bị một mụn nước nhỏ mà không xử lý kịp thời có thể dẫn tới viêm loét, nhiễm trùng bàn chân.
2. Không ngâm chân quá lâu, ngâm ở nhiệt độ quá cao
Nước nóng giúp kích thích mạch máu ở chân, thúc đẩy tuần hoàn máu, giảm đau, điều hòa huyết áp, nhưng nếu nước quá nóng sẽ phản tác dụng. Nhiệt độ lý tưởng là từ 38 - 45 độ C, nếu vượt quá ngưỡng này, có thể gây bỏng, giãn tĩnh mạch hoặc làm mất tác dụng của thảo dược.
3. Chỉ ngâm chân quá 45 phút khi có hướng dẫn của bác sĩ
Thời gian ngâm cũng rất quan trọng. Dù các bạn trẻ có bận rộn đến đâu cũng nên duy trì ngâm chân ít nhất là 15 phút, cũng đừng vì quá thoải mái hoặc mải mê với các thiết bị điện tử mà để thời gian ngâm chân lâu quá 30 phút. Trừ các trường hợp được chỉ định riêng bởi bác sĩ chuyên môn.
Ngoài ra, cũng không nên đi ngủ ngay sau khi ngâm chân xong.
4. Không ngâm chân với các bài thuốc thảo dược không rõ nguồn gốc
Rất nhiều trường hợp tự ý ngâm chân bằng nước nóng hoặc các loại cỏ cây không rõ nguồn gốc, dẫn đến bỏng nặng và hoại tử lan rộng, khó chữa trị. Thậm chí không ít trường hợp bệnh nhân tiểu đường phải cắt cụt chi, đe dọa đến tính mạng do ngâm chân kết hợp bài thuốc lá chữa bệnh truyền miệng.
Nếu muốn giảm đau, thư giãn, làm ấm cơ thể, bạn hãy ngâm chân với muối và nước ấm, có thể thêm gừng. Tăng tác dụng để giải cảm, lưu thông khí huyết, giảm mùi hôi, ngủ ngon, bạn có thể thêm vào vài lát gừng/chanh hoặc ngải cứu, trà xanh.
Còn nếu muốn thử các bài thuốc thảo dược chuyên dụng, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Healthline, QQ