Bệnh gan nhiễm mỡ giải thích một cách dễ hiểu nhất là tình trạng dư thừa lượng mỡ tích tụ trong gan. Khi gan không thể xử lý và phân hủy chất béo trong cơ thể, chất béo sẽ tích tụ lại gây ra gan nhiễm mỡ.
Ở giai đoạn đầu, bệnh gan nhiễm mỡ thường không quá nguy hiểm và cũng khó phát hiện. Nhưng nếu không điều trị sớm, bệnh gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, chuyển biến thành xơ gan, suy gan, ung thư gan hoặc xuất huyết tiêu hóa, rối loạn khả năng đông máu.
Thêm một điều đáng lo ngại nữa là gan nhiễm mỡ có thể hình thành từ những thói quen nhỏ nhặt, những hành vi ít ai ngờ tới trong cuộc sống hàng ngày. Ví dụ như 5 thói quen không hề liên quan tới rượu bia được chuyên gia Dinh dưỡng học Cheng Hanyu (Đài Bắc, Đài Loan, Trung Quốc) chỉ ra sau đây:
1. Thiếu ngủ
Nếu cho rằng thiếu ngủ chỉ hại cho não bộ, ngoại hình… thì bạn đã sai lầm. Bác sĩ Cheng cho biết, đây là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh về gan, bao gồm cả gan nhiễm mỡ dù bạn có ăn uống lành mạnh, không dùng bia rượu.
Thiếu ngủ lâu ngày làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ (Ảnh minh họa)
Nghiên cứu do Đại học Stanford (Mỹ) công bố vào năm 2018 chỉ ra: so với những người ngủ 9 tiếng mỗi ngày, những người ngủ ít hơn 5 tiếng có nguy cơ bị chức năng gan bất thường tăng 35% và nguy cơ gan nhiễm mỡ tăng 45%. Con số này ở những người ngủ dưới 6 tiếng lần lượt là là 24% và 33%. Người ngủ trong khoảng 7 - 8 giờ không làm tăng nguy cơ chức năng gan bất thường và gan nhiễm mỡ. Ngoài ra, các nghiên cứu còn chỉ ra rằng ngủ ít hơn 5 tiếng cũng có thể dẫn đến béo phì và tiểu đường - những yếu tố tăng nguy cơ bệnh gan.
Cụ thể, thời gian kéo dài của giấc ngủ ngắn có mối tương quan với mức alanine aminotransferase (ALT) bất thường của huyết thanh và sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD). Thiếu ngủ làm gián đoạn trục hạ đồi - tuyến yên - tuyến thượng thận, do đó có thể góp phần dẫn tới rối loạn chức năng gan và phát triển gan nhiễm mỡ không do rượu. Đồng thời, bản thân việc thức khuya, thiếu ngủ làm rối loạn huyết thanh ALT quan trọng với gan.
2. Ăn quá nhiều đường
Theo bác sĩ Cheng, gan sử dụng đường fructose để tạo ra chất béo. Thu nạp quá nhiều đường làm tích tụ chất béo trong gan và dẫn đến các bệnh về gan. Một số nghiên cứu cho thấy, đường có thể gây hại cho gan giống như rượu, ngay cả ở người không thừa cân. Vì vậy, ông khuyến nghị chúng ta nên kiểm soát lượng đường, thực phẩm ngọt trong chế độ ăn uống để phòng bệnh gan nhiễm mỡ.
Tương tự, người bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc gan nhiễm mỡ cao hơn người khỏe mạnh. Lý do là khi lượng đường trong máu tăng lên làm suy giảm chức năng loại bỏ LDL (cholesterol "xấu") của gan. Lâu ngày, cholesterol tích tụ ở cơ quan này nhiều hơn, khiến gan nhiễm mỡ.
Ngược lại, khi đường huyết xuống thấp (do nhịn đói), cơ thể phải giải phóng một lượng nhất định để bù đắp năng lượng. Tình trạng này diễn ra thường xuyên cũng làm gia tăng lượng mỡ tại gan.
3. Giảm cân quá nhanh, ăn kiêng quá mức
Rất nhiều người sẽ cảm thấy bất ngờ khi biết rằng cơ thể suy dinh dưỡng cũng dẫn đến gan nhiễm mỡ. Đó cũng là một trong số những lý do khiến thực tế có rất nhiều người gầy mắc bệnh lý này. Nguyên nhân là do cơ thể không tổng hợp được apolipoprotein do thiếu hụt dinh dưỡng, khiến triglyceride tích tụ trong gan dẫn đến mỡ thừa trong gan.
Hoặc những người giảm cân quá nhanh, cố gắng ăn kiêng, nhịn ăn để có thân hình như ý cũng dễ bị gan nhiễm mỡ “tấn công”. Bời vì giảm cân quá nhanh trong thời gian ngắn sẽ kích thích lipolysis trong cơ thể, khiến lượng chất béo tăng lên nhanh chóng. Cùng với đó, quá trình peroxy hóa lipid cũng diễn ra mạnh hơn, sẽ khiến tế bào gan bị tổn thương và gan nhiễm mỡ. Do đó, bác sĩ Cheng nhấn mạnh rằng giảm cân quá mức không phải là biện pháp giảm cân an toàn, nó gây nhiều hệ lụy cho gan và sức khỏe chung toàn cơ thể.
4. Thích ăn đồ chiên rán, thức ăn nhanh, nội tạng động vật
Đây đều là những kiểu ăn uống cực kỳ hại cho sức khỏe lá gan, “mời gọi” bệnh gan nhiễm mỡ tìm tới bạn. Bởi vì tiêu thụ quá nhiều nội tạng động vật, đồ chiên hoặc xào, thức ăn nhanh... tăng áp lực cho gan, làm chậm quá trình xử lý và chuyển hóa chất béo. Lâu ngày, một lượng mỡ lớn tích, gây bệnh gan nhiễm mỡ. Hệ quả là gan có thể bị viêm, tế bào bị tổn thương dẫn đến xơ gan, thậm chí suy gan, ung thư gan nguy hiểm tính mạng.
Ăn quá nhiều đồ chiên rán và món ăn nhiều đường gây ra nhiều bệnh tật (Ảnh minh họa)
Hay những người thường xuyên, thậm chí là ăn thức ăn nhanh và thực phẩm đóng gói sẵn hàng ngày sẽ có nguy cơ mắc bệnh gan nhiễm mỡ cao hơn. Do nhóm thực phẩm này thường chứa nhiều chất béo chuyển hóa, đường, muối… khiến gan phải hoạt động nhiều hơn, dễ quá tải, suy giảm chức năng. Quá trình này diễn ra lâu ngày, liên tục lặp lại sẽ gây bệnh gan nhiễm mỡ.
Tuy nhiên, bác sĩ Cheng nhắc nhở rằng cơ thể vẫn cần chất béo để hấp thụ các loại vitamin như A, E, D và K. Do đó, bạn nên thay thế bằng các chất béo lành mạnh như dầu ô liu, dầu đậu nành hoặc cá béo... với lượng vừa đủ.
5. Ít vận động và ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời
Bên cạnh uống nhiều rượu bia, thừa cân hoặc béo phì là một trong những nguy cơ hàng đầu gây gan nhiễm mỡ. Trong khi đó, những người lười vận động, ngồi lâu một chỗ nhiều giờ mỗi ngày thì dễ bị béo phì hơn, nhất là tích tụ mỡ thừa ở vòng eo - nơi có các cơ quan nội tạng quan trọng, bao gồm cả gan.
Các nghiên cứu đã chỉ ra, lượng chất béo tích tụ trong gan tỷ lệ thuận với cân nặng cơ thể. Điều này có nghĩa người có cân nặng càng cao thì nguy cơ tích lũy mỡ thừa trong gan càng nhiều. Tổn thương mô gan do mỡ thừa ở những người béo phì ở mức 61 - 94% và theo bác sĩ Cheng đây là ngưỡng vô cùng nguy hiểm.
Tắm nắng điều độ cũng tốt cho sức khỏe của gan (Ảnh minh họa)
Trong khi đó, tập thể dục hay chơi thường xuyên một môn thể thao là liều thuốc giảm mỡ trong máu cũng như tình trạng gan nhiễm mỡ hiệu quả nhất. Khi vận động chúng ta sẽ đốt năng lượng từ các mô mỡ, gan tăng cường chuyển hóa và đẩy mỡ ra các mô để bù đắp. Vì vậy người lười vận động sẽ dễ bị gan nhiễm mỡ và bệnh tiến triển cũng nhanh hơn. Người lười vận động và thừa cân còn dễ mắc tiểu đường, cao huyết áp - đây đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh gan.
Ngoài ra, rất ít người biết rằng ít khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời cũng gây hại cho gan. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nồng độ vitamin D trong huyết thanh thấp có liên quan đến thoái hóa gan nhiễm mỡ, hoại tử và tổn thương do viêm. Nên phơi nắng nhiều, ít nhất 30 phút - 1 giờ mỗi ngày và phơi nắng vào buổi sáng sau 8 giờ là hiệu quả nhất.
Nguồn và ảnh: ETtoday, webMD, Life Times