Nhiều người lo ngại về những phản ứng sau tiêm vắc-xin phòng COVID-19, tuy nhiên theo TS Thái, bất cứ vắc-xin nào, không nói riêng vắc-xin phòng COVID-19 đều có những tỷ lệ phản ứng bất lợi. Điều này cũng đúng cho các loại thuốc, dược phẩm và thậm chí là thực phẩm.
Tuy nhiên, nhưng phản ứng bất lợi này ở tỷ lệ rất thấp và nếu được theo dõi, xử lý kịp thời là sẽ ổn. Không nên vì quá lo ngại mà bỏ qua một vũ khí lợi hại bảo vệ con người trước bệnh COVID-19.
Ông Thái cho rằng cần hiểu rõ virus sở dĩ biến đổi liên tục và ngày càng dễ lây chính bởi nó vẫn lưu hành liên tục và có cơ hội để tiến hóa. Chỉ khi nào cắt hoàn toàn chuỗi lây truyền thì mới có thể chặn đà biến đổi của virus và để chặn được thì các biện pháp dự phòng cá nhân như 5K của Bộ Y tế kết hợp được với vắc-xin mới có thể đáp ứng tốt công tác phòng chống dịch.
Là chuyên gia trong lĩnh vực tiêm chủng, TS Phạm Quang Thái đánh giá hiện Việt Nam là một trong những quốc gia hàng đầu trong đảm bảo quy trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19.
Với phương châm “Tiêm đến đâu an toàn đến đó”, quy trình tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tại Việt Nam được triển khai bài bản và có sự khác biệt so với các nước khác trên thế giới, kể cả các nước tiên tiến.
Bộ Y tế thông tin, trường hợp tử vong của nhân viên y tế ở An Giang được xác định là sốc phản vệ trên cơ địa quá mẫn với non steroid, vô cùng hiếm gặp. Theo TS Thái nhận định đây dù vô cùng hiếm nhưng ngành y tế không dừng ở đây mà phải có sự rút kinh nghiệm để không có những sự cố đáng tiếc như vậy. Cụ thể phải tăng độ sẵn sàng trong công tác phòng chống phản vệ tại tất cả các cơ sở tiêm chủng.
“Thậm chí nếu cần phải chuẩn bị sẵn Adrenalin để khi sự cố xảy ra chỉ việc tiêm ngay thay vì mất công chuẩn bị thuốc chống sốc. Công tác tập huấn và giám sát kiểm tra cũng cần tăng cường để đảm bảo việc nhân viên y tế sẵn sàng trong mọi tình huống”, ông Thái nói.