Tiến sĩ Cai Yishan - Chuyên gia da liễu tại Đài Loan, Trung Quốc cho biết: “Mùi hôi chân có thể xuất hiện ở bất cứ ai vào mùa hè hoặc do vận động quá nhiều, bí bách. Tuy nhiên cũng có những người dù rất chú ý tới vệ sinh, thông thoáng khi đi giày dép nhưng vẫn bị hôi chân vì gặp vấn đề bệnh lý.
Tuy không gây nguy hiểm nhưng mùi hôi chân ảnh hưởng lớn tới sự tự tin của bản thân và gây khó chịu cho người xung quanh. Điều quan trọng là không phải ai cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của nó hoặc vì xấu hổ mà không chịu thăm khám”.
Trong số những bệnh nhân gần đây nhất của Tiến sĩ Cai cũng có một trường hợp như vậy. Đó là một nam thanh niên 16 tuổi tên Tiểu Trí (Đài Trung, Đài Loan, Trung Quốc). Mẹ của Tiểu Trí kể lại, con trai mình có mùi hôi chân khó chịu đã được 2 năm. Lúc đầu, bà cho rằng đó là vì Tiểu Trí nằm trong đội điền kinh của trường, vận động nhiều nên khó tránh đổ mồ hôi và hôi chân.
Lòng bàn chân chàng trai bị lở loét, nấm nặng và bốc mùi như cá thối (Ảnh BV cung cấp)
Để khắc phục, bà đã mua rất loại thuốc, bắt con ngâm chân hàng ngày nhưng không có hiệu quả. Vào mùa đông, ngay cả khi ít vận động chân của Tiểu Trí vẫn rất hôi. Bà nhiều lần khuyên Tiểu Trí đi thăm khám nhưng cậu phản ứng lại rất gay gắt, cho rằng đó là do “cơ địa” và lộ rõ vẻ xấu hổ.
Cho đến hai tuần trước, cả gia đình bắt đầu nhận ra mùi hôi chân của Tiểu Trí tăng lên theo cấp số nhân. Theo mô tả của mẹ Tiểu Trí thì nó giống hệt mùi cá thối và thấy cậu có vẻ đau khi đi lại. Khi bắt con cởi tất ra kiểm tra, bà hoảng hốt vì thấy lòng bàn chân con mình trắng xóa vì lở loét, sần sùi như vỏ trứng và chạm vào rất xốp. Ngay lập tức, bà đưa con tới bệnh viện da liễu của Tiến sĩ Cai thăm khám.
Tiến sĩ Cai hồi tưởng: “Thật sự bản thân tôi cũng bị sốc khi kiểm tra chân của bệnh nhân. Tình trạng viêm nhiễm, phồng rộp do ẩm ướt rất nghiêm trọng. Tuyến mồ hôi ở bàn chân của bệnh nhân cũng gặp trục trặc, ngồi trong phòng điều hòa và không đi tất nhưng vẫn bị chảy mồ hôi. Tình trạng này thường ít khi gặp ở những người trẻ tuổi như vậy.
Chúng tôi đã mất khá nhiều thời gian để tìm ra nguyên nhân gây bệnh do bệnh nhân xấu hổ, không muốn hợp tác. Cuối cùng, với sự hỗ trợ của người mẹ, bệnh nhân thừa nhận mình thường để chân ướt đã xỏ tất và đi giày. Thậm chí, sau khi bị hôi chân cậu còn cho rằng làm như vậy sẽ hòa loãng mồ hôi, ít hôi chân hơn.
Khi phát hiện chân lở loét, bệnh nhân xấu hổ không nói với ai mà tự mua thuốc bôi theo tìm hiểu trên mạng khiến bệnh trầm trọng hơn. May mắn là sau 2 tuần điều trị bằng thuốc kết hợp thay đổi thói quen, tình trạng của cậu đã cải thiện 80%”.
Đi giày, tất khi chân còn ướt dễ dẫn tới hôi chân và nhiều bệnh khác (Ảnh minh họa)
Theo Tiến sĩ Cai, có 4 nguyên nhân chính gây ra mùi hôi chân kéo dài, ngay cả vào mùa hè hay ít vận động:
- Chất liệu giày dép.
- Thói quen xấu hoặc vệ sinh kém.
- Do viêm: chẳng hạn như nhiễm trùng do vi khuẩn, nấm…
- Do các bệnh lý như rối loạn tiết mồ hôi hay ảnh hưởng từ các bệnh mạn tính khác, thường gặp nhất là tiểu đường.
Trong đó, thói quen xấu Tiểu Trí mắc phải: đi tất/giày khi chân còn ướt thật ra vô cùng phổ biến. Vì vậy, Tiến sĩ Cai nhắc nhở chúng ta nên chú ý tới vệ sinh, chọn chất liệu giày. Khi chân đang ướt dù do nước hay mồ hôi cũng không nên đi giày/tất ngay mà cần làm khô trước. Nếu thấy chân đổ mồ hôi hay mùi bất thường kéo dài, thay đổi lối sống vẫn không cải thiện thì tốt nhất nên đi thăm khám.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Family Doctor