Bánh trung thu siêu rẻ xuất xứ Trung Quốc rao bán tràn lan: Chuyên gia cảnh báo điều nguy hại

Chỉ vài ngàn đồng/chiếc, những hộp bánh trung thu đủ loại sắc, hương vị được quảng cáo nhan nhản trên các trang mạng xã hội đang tiềm ẩn nguy cơ đe dọa sức khỏe người dùng.

Vài nghìn đồng/chiếc, hạn sử dụng vài tháng

Dù hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng thị trường bánh trung thu đã khá sôi động. Đặc biệt, năm nay xuất hiện thêm một số loại bánh trung thu dẻo mini có xuất xứ từ Trung Quốc với giá chỉ 2.000 - 5.000 đồng/cái được bán trôi nổi trên đầy chợ mạng, trong đó có nhiều chủng loại mới hút khách.

Bánh được bán với giá 99.000 đồng/kg (25 cái), đủ loại mẫu mã, có nhiều vị tùy khách lựa chọn. Tính lẻ khoảng 4000 đồng/chiếc. Nếu lấy sỉ, bánh này có giá chỉ khoảng 50.000 đồng/kg, tức chỉ khoảng 2000 đồng/cái. Theo giới buôn, toàn bộ các loại bánh mini dẻo nêu trên là hàng từ Trung Quốc. Thời gian bảo quản của chúng lên đến 4 tháng. Điều này khiến dân làm bánh chuyên nghiệp cũng như người tiêu dùng lo ngại về an toàn thực phẩm.

Không chỉ năm nay thị trường bánh trung thu mới xuất hiện bánh giá rẻ từ Trung Quốc. Các loại bánh giá rẻ này năm nào cũng xuất hiện, mỗi năm có một kiểu mẫu mã khác nhau.

Bánh trung thu siêu rẻ xuất xứ Trung Quốc rao bán tràn lan: Chuyên gia cảnh báo điều nguy hại - Ảnh 1.

Bánh trung thu siêu rẻ "làm mưa làm gió" thị trường trước thềm Trung thu sắp đến

TS Từ Ngữ, Hội Dinh dưỡng Việt Nam cho biết, để làm bánh phải có quy trình từ bột, nhân, khuôn, nướng... Đặc biệt là vấn đề vệ sinh, nếu thực hiện đúng các quy trình thì đòi hỏi phải đầu tư lớn. Muốn giá rẻ thì quy trình phải thay đổi và nguyên liệu cũng phải rất rẻ. Quan sát những chiếc bánh trung thu giá rẻ này thì thấy phần nhân của chúng không rõ ràng.

"Đáng lẽ nhân bánh phải thể hiện rõ ràng chúng là nguyên liệu gì, trứng muối, dăm bông, lạp xưởng hay đậu xanh… Còn loại bánh này không nhìn thấy nhân do đã được làm nhuyễn ra. Nguy hiểm là chúng ta không biết nó là cái gì", TS Từ Ngữ nói.

Với mức giá rẻ đến khó tin như vậy thì TS Từ Ngữ cho rằng, nhiều khả năng bánh được làm từ thực phẩm "rác". Đó là thực phẩm lưu cữu lâu ngày để trong các tủ lạnh với nhiệt độ đến -20 hoặc -30 độ C, đã hết hạn sử dụng có giá thành rất rẻ.

Nếu dùng từ nguyên liệu là thực phẩm "rác" thì vì sao bánh lại rất thơm ngon, nhiều người ưa thích? TS Từ Ngữ lý giải: Đó chính là phụ gia. Phụ gia làm mất đi mùi vị của thực phẩm làm bánh và họ đưa một loại hương vị gần giống với thực phẩm vào, nhất là trẻ em thích hương vị đó. Thành ra hàng này được nhiều người mua.

Dù ăn bánh này không tạo ra ngộ độc cấp như tiêu chảy, nôn mửa, nhưng có ảnh hưởng lâu dài hay không thì không ai biết được, đặc biệt là những phụ gia, thực phẩm "rác" tác động lên gan, thận, đường tiêu hóa gây có thể gây ra những bệnh mãn tính như xơ gan, có thể là ung thư gan. Nguy hiểm nhất là người ăn không nhận biết được ngay lập tức tác hại nhưng hậu quả lại khôn lường.

Cảnh giác với cả bánh trung thu tự làm

Lo ngại bánh trung thu có chất bảo quản, nhiều người chọn mua bánh handmade (bánh tự làm). PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học – Công nghệ Thực phẩm cho biết, thời hạn sử dụng của bánh trung thu không nhiều, chỉ khoảng từ 1-2 tháng. Hạn sử dụng của bánh trung thu thường ngắn do nguyên liệu là những thực phẩm dễ bị ôi thiu nếu không có chất bảo quản.

Bánh trung thu truyền thống với các loại nguyên liệu như dăm bông, lạp xườn, hạt sen, hạt dưa, mỡ, đường… lại càng khó bảo quản, dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển. Thế nhưng, có những chiếc bánh để vài tháng không hỏng phải đặt dấu hỏi về chất bảo quản.

Với bánh tự làm, thời gian sử dụng tốt nhất là 5-7 ngày (bánh nướng) và 3-5 ngày (bánh dẻo). Bánh do các doanh nghiệp sản xuất có hạn dùng 1-1,5 tháng kể từ ngày sản xuất. Nếu bảo quản không tốt và trưng ngoài nắng, hạn sử dụng còn rút ngắn hơn. Bởi với những nguyên liệu này, dù có làm đúng quy trình, tránh được vi sinh vật xâm nhập thì bánh Trung thu cũng khó có thể bảo quản đến vài tháng với những nguyên liệu đó, nếu không sử dụng chất bảo quản.

Bánh trung thu tự làm có ưu điểm là yên tâm về nguyên liệu, nhưng trong quá trình chế biến, vi sinh vật rất dễ xâm nhập nếu không được thực hiện đúng cách. Với loại bánh trung thu để cả năm không bị mốc hỏng thì chắc chắn khả năng là nhà sản xuất đã sử dụng chất bảo quản để giữ bánh lâu thiu.

Theo các chuyên gia, về cảm quan, bánh trung thu ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm thường có mặt bánh vàng đều, da bánh mỏng, nhân khi cắt ra không bị vụn.

Nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có tên tuổi đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế và phải xem xét kỹ nhãn mác của bánh phải ghi đầy đủ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng. Bánh trung thu để lâu hoặc ở môi trường nóng, ẩm rất dễ bị mốc, hư hỏng nên cũng phải kiểm tra trước khi mua dù thời hạn sử dụng vẫn còn.

Không mua, không sử dụng bánh trung thu không nhãn mác. Chỉ ăn bánh không bị dập nát biến dạng, bao bì không rách nát, không có màu sắc khác thường, không bị thiu, ẩm mốc, hư hỏng và không có mùi khác lạ.

Được biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành bộ tiêu chuẩn về bánh trung thu trong đó quy định các chỉ tiêu cảm quan, độ ẩm, chỉ tiêu dinh dưỡng (chất béo, đường), tro không tan trong axit, trị số peroxit, một số độc tố vi nấm và vi sinh vật.

Các vi sinh vật và độc tố từ vi sinh vật (chủ yếu là độc tố vi nấm) là các mối nguy hiện hữu trong sản phẩm bánh nướng, bánh dẻo, các vụ ngộ độc bánh qua thống kê và xét nghiệm đều từ các nguyên nhân này. Các nguyên liệu chế biến bánh theo Luật an toàn thực phẩm đều phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, bao gồm cả kim loại nặng.

Người dùng nên lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc, chất lượng được đảm bảo thể hiện qua việc có thương hiệu, thời hạn sử dụng, chỉ tiêu dinh dưỡng, chỉ tiêu liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm ghi trên nhãn theo quy định. Đối với bánh mua bán trực tuyến, người mua càng cần phải cân nhắc lựa chọn bởi rủi ro rất lớn. Để chọn được loại bánh trung thu đảm bảo chất lượng thì nên tránh các yếu tố nêu trên.