Ngành bán lẻ dược đối mặt nhiều rủi ro tiềm ẩn
COVID-19 đã trở thành cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu lớn nhất trong 100 năm trở lại đây. Nó đang tác động đến tất cả mọi người theo nhiều cách. Trong đó ngành bán lẻ, nhất là bán lẻ dược phẩm, thực phẩm là một trong những ngành dịch vụ thiết yếu có nguy cơ lây nhiễm cao do tiếp xúc với hàng trăm ngàn lượt khách mỗi ngày.
Nhìn lại các đợt dịch bùng phát thời gian vừa qua, trường hợp khoanh vùng F0 đến mua sắm tại các chợ đầu mối, cửa hàng bán lẻ thường xuyên diễn ra, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh. Tại các chợ đầu mối như Thủ Đức, Bình Điền, Hóc Môn có lượt khách ra vào từ 12.000 - 15.000 mỗi ngày. Do đó, một khi xuất hiện ca nhiễm tại đây thì số lượng các trường hợp có liên quan là rất lớn.
Dược sĩ đối mặt với nhiều nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc với khách hàng mỗi ngày
Không chỉ có chợ, siêu thị, mà các cửa hàng bán lẻ cũng đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm, nhất là tại các cửa hàng bán lẻ dược phẩm - nơi thường xuyên tiếp xúc với những người có nguy cơ mắc bệnh. Hiện cả nước có hơn 60.000 các nhà thuốc tư nhân, nếu tình huống tương tự xảy ra tại các nhà thuốc thì nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng dược liệu và thiết bị y tế, tăng thêm áp lực cho hệ thống y tế công hiện nay là hoàn toàn có khả năng.
Ông Nguyễn Quang Vinh – Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch điều hành Hội đồng DN Vì sự phát triển bền vững Việt Nam (VBCSD) cho rằng giải pháp ưu tiên hiện nay đối với các doanh nghiệp bán lẻ dược phẩm là thực hiện chặt chẽ khuyến cáo “5K” để chung sống an toàn với dịch bệnh của Bộ Y tế. Đối với các chuỗi bán lẻ dược lớn hiện nay, đơn cử như Pharmacity với gần 600 nhà thuốc tại 16 các tỉnh thành thì có năng lực đủ tốt để hỗ trợ cho nhân viên lẫn các đối tác trong ngành để nâng cao năng lực và cập nhật thông tin. Bên cạnh đó, ông Vinh ghi nhận cơ sở y tế và đơn vị bán lẻ dược phẩm đang đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong cuộc chiến dài kì phòng chống dịch Covid-19. Do đó, một khi các cơ sở y tế và đơn vị bán lẻ dược phẩm bị Covid xâm nhập và chọc thủng có thể tạo ra “hiệu ứng domino” tác động tiêu cực đến nhiều ngành nghề khác. Do đó, “lá chắn” này cũng cần nhận được sự lưu tâm và bảo vệ tối đa từ các bộ, ban ngành.
Đứng trước nguy cơ trên, Bộ Công thương và Hiệp hội bán lẻ Việt Nam đã có văn bản đề xuất xem nhân viên bán hàng tại các hệ thống phân phối, bán lẻ hàng hoá thiết yếu được là đối tượng ưu tiên tiêm vaccine nhằm nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống dịch Covid-19, nhất là đối với chủng virus xuất hiện trong đợt dịch lần thứ 4 này.
CEO Pharmacity, ông Chris Black chia sẻ: “Bảo vệ dược sĩ tại nhà thuốc là góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng”
Đồng ý với ý kiến trên, ông Chris Blank, Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc tập đoàn Pharmacity chia sẻ, ở vị thế là chuỗi nhà thuốc lớn nhất Việt Nam với hơn 4000 nhân viên, các dược sĩ Pharmacity cũng đang đối mặt với nguy cơ lây nhiễm rất lớn khi mỗi ngày đều phải tiếp xúc với nhiều khách hàng có triệu chứng nhiễm bệnh. Dù vậy, trải qua 4 đợt dịch, Pharmacity vẫn tiếp tục nâng cao công tác tư vấn sức khỏe và cung cấp thuốc, trang bị vật tư y tế,... đồng thời hỗ trợ sàng lọc thông tin dịch tễ khi cần khoanh vùng những ca bệnh COVID-19 trong cộng đồng. Chính vì thế, ông cho rằng bảo vệ đội ngũ dược sĩ tại nhà thuốc là góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Đây cũng là một trong những điều mà các tổ chức y tế trên thế giới tập trung thực hiện.
Trên thế giới, dược sĩ được công nhận là nhân viên y tế tuyến đầu
Bác sĩ Mason Cobb - Người sáng lập & Chủ tịch Victoria Healthcare chia sẻ: “Hầu hết các quốc gia tiên tiến, nhóm Dược sĩ đã được ghi nhận là nhân viên y tế tuyến đầu”. Theo ông, tại Hoa Kỳ, các dược sĩ thậm chí đã được cấp quyền quản lý vắc-xin. Các hiệu thuốc và đội ngũ nhân viên của họ là nền tảng cơ bản giúp triển khai chương trình cung cấp vắc xin nhanh chóng và rộng rãi ở Hoa Kỳ, nơi có hơn một triệu người được tiêm chủng mỗi ngày. Hiệp hội Dược sĩ Hoa Kỳ (APhA) cũng đã ban hành các hướng dẫn và tài liệu nguồn lực để củng cố và chuẩn bị sẵn sàng cho các nhà thuốc cộng đồng với tư cách là nhân viên y tế tuyến đầu trong cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu.
Đánh giá về tầm quan trọng của dược sĩ trong công cuộc phòng chống Covid 19, ông Duarte Santos - Chủ tịch Nhóm Dược của Liên minh Châu Âu (Pharmaceutical Group of the European Uninion – PGEU) cũng từng nhận định: “Dược sĩ là một trong những đầu mối liên hệ đầu tiên giữa bệnh nhân và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Các dược sĩ đóng một vai trò quan trọng trong việc xác định và quản lý các trường hợp có nguy cơ mắc Covid-19. Cũng giống như các nhân viên y tế tuyến đầu khác, họ cần được bảo vệ trước nguy cơ cao bị phơi nhiễm”.
Tại Việt Nam, công việc của dược sĩ nhà thuốc góp phần hỗ trợ ngành y tế nhận diện sớm trường hợp nguy cơ, kịp thời truy vết, khoanh vùng, dập dịch. Thêm nữa, dù tuân thủ và thực hiện đúng các biện pháp phòng dịch 5K nhưng nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cho nhân viên nhà thuốc vẫn cao hơn các nhân viên ngành bán lẻ khác vì qua điều tra dịch tễ, nhiều trường hợp mắc Covid-19 đã từng đến mua thuốc tại các nhà thuốc trước khi được phát hiện dương tính.
Chính vì thế, bác sĩ Mason Cobb cho rằng bảo vệ sức khỏe dược sĩ là củng cố thêm sức mạnh của “lá chắn” phòng dịch của cả nước, góp phần duy trì “năng lực và nguồn lực” chăm sóc y tế cơ bản, đảm bảo nguồn nhân sự y tế trong những tình huống cấp bách.