Chương trình tư vấn, đo khám và xét nghiệm miễn phí tình trạng cholesterol
Bắt đầu thực hiện từ ngày 25/10/2020 tại các bệnh viện, cơ sở y tế trên 5 thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh và Cần Thơ, chương trình tư vấn, đo khám và xét nghiệm miễn phí tình trạng cholesterol đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ người dân. Trong đó, chương trình ghi nhận khá nhiều phụ nữ trên 50 tuổi bị thừa cholesterol. Một số là nhóm bệnh nhân đã có bệnh lý nền sẵn như: tăng huyết áp, tiểu đường. Một phần nữa là các bệnh nhân thừa cân, kèm theo độ tuổi càng cao sẽ làm tăng tỉ lệ rối loạn mỡ máu. Nhưng đáng kể nhất vẫn là nguyên nhân đến từ chế độ dinh dưỡng và lối sống chưa hợp lý.
Chương trình đo khám thu hút đông đảo người dân đến tham gia
"Tôi thường tìm hiểu về cholesterol, có tập thể dục. Nghĩ bản thân đã có chế độ ăn uống và lối sống khoa học nhưng khi ra kết quả thừa cholesterol nên tôi khá bất ngờ", cô Kim Phượng (46 tuổi, TP HCM) nói.
Còn sau khi kiểm tra, bà Tô Thị Phượng (56 tuổi, sống tại TP.HCM) khá hoang mang khi biết mình bị cao huyết áp và thừa cholesterol: “Tôi ăn uống cũng ít nhưng thực tế là mình cũng không biết được các loại thực phẩm ăn vào có khiến mình bị thừa cholesterol hay không! Bác sĩ cũng khuyên nên ăn nhiều rau, hạn chế thịt mỡ và phải thường xuyên vận động hơn.”
Giải thích về lý do khiến nhiều người thừa cholesterol, bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Thị Kim Hoa, phụ trách chuyên môn Y học gia đình tại Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ thêm, nhiều người tham gia thăm khám cho biết ăn nhiều mỡ động vật, thịt gia cầm béo, đồ ngọt, thức ăn chế biến sẵn, ít rau xanh... Nam giới còn hay uống nhiều rượu bia khiến chức năng gan giảm đi trong khi gan là cơ quan điều tiết để chuyển hóa mỡ, cholesterol. Lối sống không lành mạnh, ít luyện tập thể thao và có chế độ ăn uống sai lầm là những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa cholesterol.
Ngoài đo chỉ số cholesterol trong máu, mỗi người dân đều được bác sĩ tư vấn từng trường hợp
Tuyên truyền trên Zalo, website Bộ Y tế, báo chí, banner đường phố
Song song với công tác đo khám, Bộ Y tế còn triển khai các hình thức tuyên truyền nổi bật như trên ứng dụng Zalo và website Bộ Y tế, treo banner đường phố. Trên kênh truyền thông báo chí của Bộ Y tế (báo Sức khỏe và Đời sống) còn đăng tải chuyên mục về cholesterol bao gồm các bài viết đưa tin về thực trạng thừa cholesterol đáng báo động của người Việt Nam; đưa ra những khuyến nghị về chế độ dinh dưỡng hàng ngày để kiểm soát tình trạng cholesterol trong cơ thể.
Hình thức tuyên truyền trên ứng dụng Zalo nhận được nhiều phản hồi tích cực
Một số bạn trẻ cho biết cách thực hiện này rất hữu ích, mang đến các thông tin đầy đủ, chính xác nhất cho người dân để điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, vận động tức thời.
Cô Mỹ Hoa (47 tuổi, TPHCM) cho biết, đọc các bài viết mới thấy hóa ra từ trước đến giờ vẫn chưa quan tâm đến sức khỏe đúng cách, không chủ động kiểm soát cholesterol. Cô thường ăn các loại thịt gà, vịt, heo... nhưng lại ít rau xanh. “Mình sẽ duy trì luyện tập thể dục mỗi ngày và bỏ luôn thói quen ăn nội tạng động vật, ăn da của thịt gia cầm cũng như bỏ luôn thói quen thắng mỡ heo để nấu nướng”. Nhờ có tiếp cận được thông tin trên các kênh truyền thông này mà mình đã phát hiện ra những sai lầm trong nấu nướng, ăn uống để có những điều chỉnh kịp thời.”
Banner đường phố mang thông điệp cảnh báo ngắn gọn, gây chú ý
Kiểm soát và cân bằng cholesterol bằng chất béo có lợi
Để kiểm soát và cân bằng lượng cholesterol trong máu, cần áp dụng các biện pháp tập thể dục, điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý, tránh stress, cuộc sống lành mạnh và tránh xa thuốc lá, khói thuốc. Đây là những giải pháp đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chứng minh là làm giảm các tỷ lệ bệnh lý chuyển hóa về tim mạch, ung thư.
Đặc biệt, trong buổi Lễ phát động "Tháng hành động đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol trong cơ thể”, các chuyên gia có đưa ra thông tin đáng lưu ý về vấn đề chất béo. Quan điểm cứ thừa cholesterol thì phải loại bỏ hoàn toàn chất béo ra khỏi chế độ dinh dưỡng là chưa đúng. Chất béo cũng là một dưỡng chất cần thiết cho cơ thể phải nạp vào hằng ngày nhưng vấn đề là cần chọn lọc, thay thế chất béo có hại bằng nhóm chất béo có lợi. Cụ thể, cần tăng cường bổ sung nhóm chất béo có lợi (nhóm chất béo không bão hòa) như omega 3-6-9 có trong một số loại cá biển sâu; dưỡng chất Gamma - Oryzanol và Phytosterol có trong một số loại dầu ăn và gạo lứt. Đặc biệt dưỡng chất Gamma - Oryzanol và Phytosterol đã được khoa học chứng minh không những là nguồn chất béo có lợi mà còn có tác dụng trong việc giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm; góp phần đẩy lùi tình trạng thừa cholesterol.
Dưỡng chất Gamma - Oryzanol và Phytosterol có tác dụng trong việc giảm hấp thụ cholesterol từ thực phẩm.