1. Nấm mốc
Nấm mốc có khả năng đưa các hạt bào tử nhỏ bay vào không khí. Chúng có thể gây nhiễm trùng phổi nếu bạn bị dị ứng nấm mốc hoặc hệ miễn dịch kém. Vì vậy, bạn hãy sửa chữa mọi chỗ rò rỉ trong nhà, giữ không gian sống luôn sạch sẽ để tránh sự phát triển của nấm mốc và bụi bẩn.
2. Thảm
Thảm có thể giữ lại nấm mốc, phân gián, mạt bụi và khí độc – tất cả những thứ này đều có thể gây tổn thương phổi của bạn. Chúng xâm nhập vào không khí khi bạn hút bụi trên thảm hoặc đi trên đó. Hãy cân nhắc sử dụng sàn gỗ hoặc một số loại có bề mặt cứng khác để dễ dàng vệ sinh. Nếu vẫn muốn dùng thảm để tăng tính thẩm mỹ, bạn cần hút bụi thảm ít nhất 3 lần 1 tuần và làm sạch bằng hơi nước hằng năm nhé.
3. Thuốc trừ sâu
Những chất hóa học này giúp sâu bọ tránh xa cây trồng trong nông trại và bãi cỏ của bạn. Tuy nhiên, nếu bạn ăn, chạm hoặc hít phải thì nó có thể gây ra các vấn đề về thần kinh, hormone, mắt, da và phổi. Những người làm nông nghiệp có nhiều khả năng mắc các vấn đề về phổi, chẳng hạn như hen suyễn. Khẩu trang, kính bảo hộ và quần áo bảo hộ là những “vật bất ly thân” nếu bạn phải làm việc với thuốc trừ sâu.
4. Pháo hoa
Màu sắc của chúng được tạo ra bởi các mảnh kim loại khác nhau phát nổ tạo ra một loại bột mịn trong không khí. Điều này có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh hen suyễn và các vấn đề về phổi, tim nếu bạn hít phải nó. Hãy thưởng thức an toàn các buổi trình diễn pháo hoa bằng cách tránh xa các đám khói và đứng ở một vị trí vừa phải.
5. Bột mì
Những người làm nghề làm bánh thường bị ho, khó thở hơn những người khác. Nguyên nhân có thể do lượng bột mì họ hít phải hằng ngày. Theo thời gian, nó sẽ làm trầm trọng tình trạng hen suyễn và gây tổn thương phổi. Bột mì không chỉ ảnh hưởng đến người làm bánh mà nó còn ảnh hưởng tới cả gia đình của họ bởi lượng bột bám vào quần áo, da và tóc.
6. Khí gas
Bếp nấu, lò nướng và lò sưởi ẩn chứa những nguyên nhân gây ra các vấn đề về phổi. Khi đốt cháy, chúng tạo ra một loại khí gọi là oxit nitơ. Khí này khiến người hít phải bị ho, khó thở, hen suyễn, từ đó có thể gây viêm phổi. Bên cạnh đó, việc đốt gỗ, dầu hỏa hoặc than cũng có khả năng gây ra loại khí này. Hãy đảm bảo việc lắp đặt, vệ sinh và bảo trì các thiết bị đúng cách, cùng với đó chú ý đến mức độ khí thải để giữ an toàn cho lá phổi.
7. Gián
Phân và các mảnh cơ thể của gián biến thành bụi, đọng lại trên sàn nhà, giường và đồ đạc của bạn. Khi hít phải sẽ gây dị ứng và các vấn đề về hô hấp. Trẻ con tiếp xúc với các đồ vật bị gián bò lên có thể gây hen suyễn. Vì vậy phải đặc biệt lưu ý giữ cho nhà cửa luôn sạch sẽ, khô ráo, nói “không” với loài gián.
8. Chim
Lông chim và phân chim chứa các hạt gây viêm phổi và hình thành mô sẹo ở phổi. Những người nuôi chim cảnh hoặc chim bồ câu phải cảnh giác và bảo vệ kỹ càng khi làm việc. Nếu nhận thấy các triệu chứng ho, khó thở khi tiếp xúc với chim, hãy đến gặp bác sĩ để được thăm khám kịp thời.
9. Máy giữ ẩm
Máy giữ ẩm giúp đưa hơi ẩm vào không khí để bạn thở tốt hơn. Tuy nhiên nó cũng có thể khiến cơ thể bạn tổn thương do các loại nấm phát triển trong máy sẽ bay vào không khí gây viêm phổi. Vấn đề tương tự cũng xảy ra với điều hòa không khí và hệ thống quạt, sưởi. Để tránh rắc rối, bạn cần vệ sinh và bảo dưỡng hệ thống sưới, làm mát.
10. Nến
Loại nến phổ biến nhất được làm từ parafin gốc dầu mỏ, khi đốt tạo ra các chất hóa học trong không khí có thể gây dị ứng và các vấn đề về hô hấp như hen suyễn, ho, thậm chí là ung thư. Để an toàn hơn, bạn hãy thử dùng nến làm từ sáp ong hoặc đậu nành, đồng thời đảm bảo sự lưu thông không khí khi thắp nến và hãy dùng chúng khi thực sự cần thiết.