Theo một nghiên cứu được công bố trên Archives of Sexual Behavior năm 2017, người trưởng thành quan hệ tình dục trung bình 54 lần một năm (tương đương khoảng 1-2 tuần 1 lần). Tuy nhiên, nếu mức trung bình của bạn cao hơn con số này rất nhiều, thì đó có phải điều đáng lo ngại?
Rebecca C. Brightman - phó giáo sư lâm sàng về sản, phụ khoa và y học sinh sản tại Trường Y Icahn, thành phố New York cho rằng: “Nếu bạn cảm thấy ổn và không bị đau, thì quan hệ tình dục ở tần suất nào cũng được”. Nói cách khác, hãy chú ý đến phản ứng cơ thể của bạn, miễn là bạn không gặp phải bất kỳ tác dụng phụ nào thì tần suất không phải là vấn đề đáng lưu tâm.
Tuy nhiên, dưới đây là một số trường hợp xấu xảy ra với cơ thể khi bạn làm “chuyện ấy” với bạn tình quá nhiều và cần hết sức lưu ý.
Đối với phụ nữ
Quan hệ tình dục quá nhiều có thể làm bạn gái bị sưng âm đạo và môi âm hộ. Với quá nhiều kích thích tình dục, các bộ phận này trở nên tích tụ máu. Điều này dẫn đến sưng và đau khi quan hệ tình dục ở lần tiếp theo.
Một “cuộc yêu” kéo dài khiến cho chất bôi trơn tự nhiên của âm đạo bị khô, từ đó làm tăng ma sát và gây đau, nóng rát. Điều này cũng xảy ra tương tự trong trường hợp màn dạo đầu không đủ kích thích đối phương hoặc với phụ nữ ở thời kỳ tiền mãn kinh.
Nếu bạn bị sưng hoặc đau âm đạo sau khi quan hệ tình dục, hãy tạm ngưng cho tới khi bạn thấy ổn. Nếu sưng quá mức, hãy dùng đá để chườm. Lần tới khi làm “chuyện ấy”, cân nhắc dùng chất bôi trơn âm đạo hoặc dầu dừa nguyên chất để tạo thêm độ ẩm ướt.
Đối với nam giới
Khoa học chỉ ra rằng nam giới cũng có thể cảm thấy khó chịu tương tự khi lạm dụng quá nhiều. “Cậu nhỏ” có thể bị đau, sưng và nứt nẻ, một vài trường hợp sẽ cảm thấy khó đi tiểu.
Không phải "cậu nhỏ" có kích thước to hơn sẽ tốt hơn – đặc biệt nếu bạn quan hệ tình dục nhiều. "Cậu nhỏ" quá lớn khiến âm đạo bị kéo căng quá mức, gây ra đau đớn, khó chịu, thậm chí là rách âm đạo.
Bên cạnh đó, quan hệ tình dục càng nhiều, nguy cơ nhiễm trùng bàng quang và âm đạo càng cao. Điều này là do sự cân bằng pH tự nhiên của âm đạo bị phá vỡ, vi khuẩn từ âm đạo và hậu môn tìm đường vào bàng quang. Để giúp ngăn ngừa điều này, hãy tập thói quen “làm rỗng” bàng quang sau khi quan hệ tình dục với bạn tình.
Trong một số trường hợp, tác dụng phụ của việc quan hệ tình dục nhiều có thể cần được chăm sóc y tế. Nếu có bất kỳ dịch tiết bất thường nào như chảy máu hoặc đau khi đi tiểu, đau âm hộ dai dẳng, bạn hãy cân nhắc đến bác sĩ kiểm tra sức khỏe ngay lập tức.
Hãy lắng nghe cơ thể bạn mọi lúc. Nếu xảy ra điều gì không ổn, bạn nên dừng lại và thảo luận với bạn tình của mình. Sự trung thực và quan tâm sẽ khiến cho 2 bạn có cảm giác thăng hoa, gần gũi bất kể tần suất nào.