Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quang, Hà Giang vừa cấp cứu cho bệnh nhi N.Q.B, 8 tuổi, trú tại xã Quang Minh, huyện Bắc Quang được gia đình đưa vào viện trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng, đồng tử co nhỏ, hơi thở có mùi bia, kích thích đau không có phản xạ.
Theo thông tin từ gia đình, trong lúc bố mẹ vắng nhà, bé N.Q.B đã tự uống một lượng lớn bia trong tủ lạnh. Ngay khi nhận thấy con có dấu hiệu nôn mửa, thần trí lơ mơ và ngất lịm, gia đình lập tức đưa bé đến cấp cứu tại Bệnh viện ĐKKV Bắc Quang.
Sau xử trí cấp cứu, bé đã hồi tỉnh, lấy lại được ý thức, sức khỏe ổn định.
Ngay sau khi tiếp nhận, các y bác sĩ đã nhanh chóng thăm khám, làm các xét nghiệm cận lâm sàng. Qua kết quả, bệnh nhi được chẩn đoán bị ngộ độc bia.
Bệnh nhi nhanh chóng được truyền dịch, bù nước điện giải,...Sau xử trí cấp cứu, bé đã hồi tỉnh, lấy lại được ý thức, sức khỏe ổn định.
Các bác sĩ cấp cứu, BV Đa khoa Bắc Quang cho biết, thực tế gặp không ít tình huống bố/ông ngồi uống rượu bia, đứa trẻ dù mới biết ngồi mon men đến gần liền được mớm cho nhấp môi nếm thử. Thậm chí, họ còn lấy đó là niềm vui và bật cười khi đứa trẻ sau khi nếm được chút rượu, bia liền nhăn mặt, lắc đầu vì cay, vì đắng.
Còn rất nhiều người khác nghĩ cho trẻ thử nếm một chút rượu, bia cũng không vấn đề gì và vô tư khuyến khích, mời mọc con “có uống không”?. Thế nhưng, bản chất rượu, bia là chất gây nghiện, chất có hại, nhất là đối với trẻ nhỏ khi tiếp xúc quá sớm sẽ có thói quen sử dụng đồ uống có cồn, sẽ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe.
Sử dụng rượu bia khi còn quá nhỏ, các bộ phận trên cơ thể chưa phát triển hoàn toàn sẽ gây ra những bệnh về gan, thận, dạ dày,… Rượu bia còn làm giảm sút trí tuệ, trí nhớ kém, mất tập trung đồng thời gây ảnh hưởng đến năng lực tư duy và khả năng học tập của trẻ.
Mặt khác, nếu trẻ uống thường xuyên bia rượu, lâu dần sẽ thành quen và có thể dẫn đến chứng nghiện rượu, bia sau này.
Vì vậy, các bậc cha mẹ tuyệt đối không cho trẻ nhỏ uống thử bia rượu cũng như các đồ uống có cồn khác để bảo vệ sức khỏe và tránh các biến chứng về sau.