Hạt nở gây tắc ruột bệnh nhi. Ảnh: BVCC
Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng nôn sữa và dịch sau khi bú, quấy khóc. Nhập viện theo dõi, các bác sĩ ghi nhận bệnh nhi nôn 1-2 lần ra sữa và dịch trong, thỉnh thoảng quấy khóc.
Hình ảnh siêu âm bụng cho thấy, các quai ruột giãn, ứ dịch, chụp X-quang ghi nhận hình ảnh tắc ruột non. Sau đó, bệnh nhi quấy khóc nhiều hơn, nôn dịch vàng sau bú 4-5 lần, bụng chướng tăng dần, các bác sĩ chỉ định chụp CT-scan bụng.
Kết quả cho thấy, các quai ruột non giãn lớn, có một đoạn ruột xẹp nằm giữa hai đoạn ruột giãn, đại tràng xẹp, thành quai ruột mỏng. Bệnh nhi được chuyển mổ khẩn.
Khi đưa ruột ra kiểm tra, các bác sĩ nhận thấy ở đoạn ruột non giãn lớn, có 1 dị vật cứng khoảng 2x3cm, chiếm toàn bộ lòng ruột, khúc ruột phía dưới xẹp. Lấy dị vật ra thì đó là một hạt nở đang phình to, bít đường ruột gây nên tình trạng tắc ruột.
Bệnh nhi may mắn thoát nguy cơ thủng ruột, nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân. Bệnh nhi được xuất viện sau khi ổn định vết mổ.
Theo các bác sĩ, khi trẻ nuốt phải hạt nở rất nhỏ có trong đồ chơi có thể gặp nhiều nguy hại. Đầu tiên là nguy cơ hạt trương nở to trong lòng ruột và lấp đầy lòng ruột. Lúc này sẽ khiến cho thức ăn và dịch tiêu hóa không thể đi qua được, thậm chí có thể gây tắc ruột. Trẻ sẽ có biểu hiện đau bụng từng cơn (hay có thể là quấy khóc theo cơn đối với trẻ chưa biết nói), nôn ói, bụng chướng và không đi tiêu được.
Hạt nở gặp nước sẽ nở to gấp nhiều lần so với lúc ban đầu. Nếu nuốt phải hạt nở, trẻ không chỉ có nguy cơ gây tắc ruột mà còn bị bít đường thở nếu hạt nở rơi vào đường hô hấp, gây tử vong.