Hầu hết nhiều người nghĩ rằng chỉ có người lớn mới mắc bệnh tiểu đường nhưng trên thực tế rất nhiều trẻ nhỏ đã mắc căn bệnh nguy hiểm này. Trường hợp bé gái 14 tuổi ở Bắc Kinh vừa qua là một ví dụ điển hình. Chia sẻ về việc này, các bác sĩ cho biết, cô bé được chẩn đoán mắc bệnh tiểu đường tuýp 2, nguyên nhân rất có thể do tiêu thụ quá nhiều đường tinh luyện trong chế độ ăn hàng ngày.
Việc chung sống với bệnh tiểu đường thực chất là một cuộc chiến lâu dài. Ảnh minh họa
Sau khi biết con mắc tiểu đường, người mẹ ân hận và dằn vặt mình đã quá chủ quan đến việc ăn uống, sinh hoạt của con. Bà cho biết, do công việc bận rộn nên thường mua bánh ngọt sẵn ở nhà để bé ăn sáng và ăn vặt sau khi tan học. Do không thích ăn cơm, bé đã tự ý cắt cơm trưa tại trường, tiền bữa cơm trưa đó, bé dành để mua bánh và các món ăn vặt. Việc này mẹ của bé không hay biết cho đến khi phát hiện bệnh.
Các bác sĩ cho biết, bệnh tiểu đường tuýp 2 ở người trẻ tuổi không gây nguy hiểm đến tính mạng ngay lập tức, nhưng nếu không được kiểm soát thì cũng gây nguy hiểm như người lớn, nguy cơ ảnh hưởng thận, mắt, hệ thần kinh, tim – mạch máu, gây cao huyết áp, các chuyển hóa về đạm, axit béo ngày một nặng, hệ miễn dịch suy yếu… là khó tránh khỏi.
Việc chung sống với bệnh tiểu đường thực chất là một cuộc chiến lâu dài, ngoài việc tuân thủ điều trị theo đơn của bác sĩ, gia đình cần phải kiên trì xây dựng cho trẻ những bữa ăn lành mạnh, cắt bỏ các món ăn vặt nhiều đường, muối, đồ ăn chế biến sẵn, giảm lượng từ từ để bé giảm cân. Tăng cường rau, trái cây. Tuyệt đối không vội vã mà bắt bé nhịn đói, bởi bé vẫn cần năng lượng để phát triển, học hành và sinh hoạt.
Ngoài ra, cần khuyến khích trẻ tập chơi thể thao, tham gia các hoạt động ngoài trời, di chuyển bằng xe đạp, đi bộ, thay thế những giờ ngồi trước máy tính, ti vi.
Dấu hiệu cảnh báo bạn có nguy cơ bị tiểu đường tuýp 2:
Triệu chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ em không dễ nhận ra. Tuy nhiên, hãy chú ý đến những triệu chứng sau:
Người mắc tiểu đường thường vùng da ở nách và cổ có màu sậm đen. Ảnh minh họa
Luôn mệt mỏi: Nếu trẻ có vẻ mệt mỏi hoặc buồn ngủ khác thường, những thay đổi về lượng đường trong máu có thể ảnh hưởng đến mức năng lượng của chúng.
Tiểu tiện thường xuyên: Nồng độ đường quá cao trong máu có thể dẫn đến lượng đường quá mức đi vào nước tiểu, từ đó khiến đi tiểu thường xuyên, theo Health Line.
Thường xuyên thấy khát và đói: Trẻ mắc bệnh tiểu đường không có đủ insulin để cung cấp nhiên liệu cho các tế bào cơ thể hoạt động. Vì vậy trẻ có thể luôn cảm thấy đói và khát nước thường xuyên hơn.
Da sẫm màu: Kháng insulin có thể khiến da bị sẫm màu, nếu trẻ bị tiểu đường tuýp 2 có thể nhận thấy vùng da ở nách và cổ sậm màu hơn những vùng khác.
Vết thương lâu lành: Các vết loét hoặc nhiễm trùng khó hoặc lâu lành có thể là dấu hiệu của bệnh tiểu đường loại 2.