Đó là em T.Q.H (3 tuổi, thôn 6, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút) đang cùng mẹ H.T.A (30 tuổi) điều trị COVID-19 tại TP. Gia Nghĩa, Đắk Nông. Trước đó, cuối tháng 7/2021, chị A. đưa H. xuống Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM để vào thuốc chữa bệnh u nguyên bào thần kinh giai đoạn 4. Tuy nhiên, khi em H. vừa làm xong các thủ tục thì bệnh viện bị phong tỏa do phát hiện ca mắc COVID-19.
Chưa kịp vào thuốc song trước nguy cơ dịch bệnh, chị A. đành thuê xe đưa con về quê Đắk Nông. Trước khi về, 2 mẹ con chị có làm xét nghiệm nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 và cho kết quả âm tính.
Khi về đến chốt kiểm soát dịch bệnh Cai Chanh (xã Đắk Ru, huyện Đắk R’lấp)- cửa ngõ tỉnh Đắk Nông, mẹ con chị được lấy mẫu thêm 1 lần để xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR. Về Trung tâm Y tế huyện Cư Jút cách ly tập trung được 1 ngày thì 2 mẹ con chị A. nhận tin bị dương tính với SARS-CoV-2.
Còn anh Trần Thiện B. - bố bé H., do tiếp xúc với người tài xế chở vợ con anh về nên phải gửi đứa con đầu cho người thân rồi cũng lên huyện Cư Jút cách ly tập trung. Từ trong khu cách ly, ngày nào anh cũng gọi điện hỏi thăm sức khỏe vợ con, nhất là bé T.Q.H. “Lúc nào khỏe, bé lại vui chơi. Nhưng khi bệnh tái phát, bé lại mệt lả, rồi nằm bẹp trên giường, thương lắm. Bình thường, ung thư đã đau đớn, nay thêm COVID-19 khiến sức con càng yếu mệt hơn. Đến nay, đã quá thời gian vào thuốc ức chế bệnh ung thư nên cơ thể con lại bị nổi nhiều hạt màu đỏ, tôi lo lắng lắm”, anh bày tỏ.
Em H. đang ở khu cách ly trị bệnh
Nói về bệnh tình của con, anh B. chua xót, bé H. sinh ra phát triển bình thường, thậm chí còn nhanh nhẹn hơn nhiều đứa trẻ khác. Tuy nhiên, đến 8 tháng tuổi bé bị đau, đôi mắt bị sưng vù lên, người bắt đầu nổi các hạt hạch, tay chân đau mỏi. Vợ chồng anh Bảo ôm con đi khắp các bệnh viện TP.HCM nhưng mỗi nơi kết luận bệnh khác nhau. Khi được 1 tuổi, bác sĩ mới phát hiện bé H. bị u nguyên bào thần kinh song đã ở giai đoạn 4.
Nhận tin con bị mắc ung thư, vợ chồng anh sốc, không tin vào sự thật. Những đồng tiền chắt bóp dành dụm để làm nhà cứ cạn dần. Hết tiền, anh chị lại vay mượn người thân bạn bè. Suốt 2 năm qua, cứ 20 ngày, vợ chồng anh chạy vạy tiền để đưa con xuống Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM vào thuốc trị bệnh.
“Có lúc tưởng chừng như đã mất con mãi mãi, nhưng còn nước còn tát, vợ chồng tôi không thể mang con về nhà. Tôi làm nghề mộc, ai kêu gì làm nấy; còn vợ buôn bán quần áo dạo. Từ ngày con bị bệnh, chúng tôi chỉ biết dựa vào nhau. Rất may, tôi thuê nhà ở của người quen nên họ cũng thông cảm, cho nợ khi nào có tiền thì trả, nhất là mấy tháng nay không làm ra tiền vì ảnh hưởng của dịch bệnh”, anh B. thông tin.