Áp lực F0 tăng nhanh
COVID-19 đã thấm sâu, lan rộng trong cộng đồng, dù TPHCM đã nỗ lực thực hiện tổng hợp các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao nhất nhưng vẫn chưa thể kiểm soát được sự bùng phát của dịch bệnh.
F0 đến tăng nhanh trong cộng đồng, ngoài nhóm tự cách ly theo dõi sức khỏe, nhiều trường hợp phải nhập viện điều trị.
Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM tối 20/8 cho biết, trong ngày tiếp tục ghi nhận thêm 3.375 ca mới mắc COVID-19. Đến nay thành phố đã có 167.717 trường hợp mắc COVID-19 được Bộ Y tế công bố. Các bệnh viện hiện đang điều trị 33.646 bệnh nhân. Toàn thành phố đang có 40.451 người cách ly, điều trị tại nhà. Trong đó, 19.243 trường hợp F0 cách ly tại nhà ngay từ đầu và 21.208 trường hợp F0 sau xuất viện về tiếp tục cách ly, theo dõi sức khỏe. Số trường hợp F0 đang cách ly, theo dõi, điều trị các cơ sở cách ly tập trung quận, huyện là 14.015 người.
Số lượng F0 cách ly theo dõi tại nhà tăng quá nhanh trong thời gian ngắn đang khiến thành phố phải căng mình triển khai các giải pháp để hỗ trợ. Tuy nhiên, tình trạng người dân vẫn chưa tiếp cận được với dịch vụ y tế khi bệnh chuyển nặng trong thời gian cách ly tại nhà vẫn đang diễn ra khá phổ biến. Nhiều người tử vong vì COVID-19 do không được điều trị kịp thời, không ít người tử vong vì các bệnh lý khác.
Số ca bệnh chuyển nặng tại bệnh viện Dã chiến ngày càng tăng cao gây áp lực lên điều trị.
BS Nguyễn Hồng Tâm, Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TPHCM: “Mấy ngày vừa qua, hệ thống y tế đã đầu tư rất lớn về việc chăm sóc, quản lý, điều trị F0 nhằm đảm bảo an toàn cho F0 đồng thời giảm tỷ lệ tử vong do dịch COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay mới chỉ thiết lập cơ bản được việc quản lý, nắm danh sách F0 hỗ trợ tư vấn còn việc điều trị và cấp cứu tại nhà chưa triển khai kịp”.
Các y bác sĩ đang phải ngày đêm canh giữ sự sống cho người bệnh.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, TPHCM sẽ lập khoảng 400 trạm y tế lưu động để tiếp tục quản lý F0, hỗ trợ tư vấn về mặt thông tin, truyền thông, điều trị F0 tại nhà và chuyển đến bệnh viện cấp cứu để bảo đảm không có trường hợp F0 nào không được cấp cứu dẫn tới tử vong tại nhà. Mỗi trạm y tế dự kiến sẽ quản lý từ 50 đến 100 F0 với 1 bác sĩ, 2 điều dưỡng, 3 nhân viên hỗ trợ với các trang thiết bị gồm bình oxy, máy thở, máy đo SpO2, test xét nghiệm, túi thuốc (kháng đông, kháng viêm, điều trị virus). Khi giai đoạn đầu đi vào hoạt động, thành phố sẽ tiếp tục nâng công suất lên 1.000 trạm y tế lưu động.
Nỗ lực cứu ca bệnh nặng
Tại các bệnh viện điều trị COVID-19 ở các tầng khác nhau, các bác sĩ đang nỗ lực hết sức để cứu chữa ca bệnh nặng, bệnh rất nặng và nguy kịch. BSCKI Lý Quốc Công, Trưởng Khoa Lâm sàng (Bệnh viện Dã chiến số 3) cho biết, phòng Cấp cứu và Hồi sức ban đầu dự tính chỉ khoảng 25 giường. Tuy nhiên, trước tình hình số ca bệnh trở nặng tăng cao, bệnh viện đã chủ động nâng số giường thở oxy lên gần 100 giường.
Bệnh COVID-19 có đặc thù là chuyển biến nhanh, nhu cầu về oxy và máy thở cần phải đáp ứng khẩn cấp nên lượng oxy luôn phải chuẩn bị đầy đủ. Các y bác sĩ tại đây hàng ngày điều trị kết hợp động viên tâm lý. Ngoài ra, bệnh nhân còn được đảm bảo về chế độ dinh dưỡng, số bệnh nhân đã được xuất viện tại Bệnh viện Dã chiến số 3 đến nay đã hơn 4.000 người. Tuy nhiên, bệnh viện đang có 66 ca phải thở oxy, trong đó có 10 ca phải thở oxy dòng cao (HFNC).
Trong khi đó tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 16 do Bệnh viện Bạch Mai phụ trách, sau khi đi vào hoạt động đã tiếp nhận, điều trị gần 200 bệnh nhân, trong đó nhiều bệnh nhân đã hồi phục, chuyển từ nặng sang nhẹ. Tại Trung tâm, một số tình nguyện viên từ các tôn giáo cũng đã đến hỗ trợ, giúp sức cho các y bác sĩ trong quá trình chăm sóc, điều trị cho người bệnh.
Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch đã được cứu chữa chuyển sang giai đoạn nhẹ.
GS.TS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc BV Bạch Mai kiêm giám đốc Trung tâm cho biết, nhân lực làm việc tại Trung tâm đều là thầy thuốc, chuyên gia hàng đầu về hồi sức, cấp cứu và điều trị các bệnh về hô hấp, đang nỗ lực cứu chữa người bệnh tốt nhất, bất kể ngày đêm. Tuy nhiên, Trung tâm cần thêm máy lọc máu. Bên cạnh đó việc xử lý rác thải, chất thải cần được các đơn vị của TPHCM giúp giải quyết tích cực hơn, nhanh chóng hơn.
Điểm nóng của điều trị COVID-19 hiện đang diễn ra tại Bệnh viện Điều trị COVID-19 tại Thành phố Thủ Đức. Tối 20/8, trao đổi với phóng viên Báo Tiền Phong, TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19 cho biết: Hiện bệnh viện đã đưa 700 giường đi vào hoạt động và đang điều trị cho hơn 720 bệnh nhân. Nỗ lực của toàn bệnh viện đã giúp rất nhiều người bệnh vượt qua nguy kịch được xuất viện hoặc chuyển xuống tầng bệnh nhẹ để tiếp tục theo dõi, điều trị.
TS.BS Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy kiêm Giám đốc Bệnh viện Hồi sức COVID-19.
Ông cho biết thêm, tại Bệnh viện Chợ Rẫy hiện cũng đang điều trị cho hơn 400 bệnh nhân COVID-19 mức độ nặng và nguy kịch. Ông nói: “Bên cạnh các giải pháp điều trị chuyên môn sâu, chúng tôi đang nhận được sự hỗ trợ từ các lực lượng tình nguyện, tăng cường vệ sinh cá nhân cho người bệnh. Bên cạnh đó, các bác sĩ đang chú ý chăm sóc dinh dưỡng để nâng đỡ tổng trạng kết hợp vật lý trị liệu. Thời gian tới, đội ngũ bác sĩ tâm lý sẽ tham gia hỗ trợ giúp bệnh nhân vơi bớt căng thẳng, lo âu, vượt lên chính mình để chiến thắng bệnh tật. Chúng tôi đang nỗ lực làm tất cả những gì có thể với mục tiêu cứu chữa được càng nhiều bệnh nhân càng tốt”.