Bệnh giang mai gây ra nhiều tổn thương, bạn đã biết chưa?

Bệnh giang mai là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Treponema pallidum gây ra. Đây là một bệnh nhiễm trùng phức tạp với nhiều giai đoạn lâm sàng khác nhau và có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng nếu không được điều trị kịp thời.

Thấy mắt mờ, đi khám phát hiện mắc bệnh... giang mai

Báo cáo tại Hội nghị khoa học "Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục" do Bệnh viện Da liễu TP.HCM tổ chức ngày 1/12 tại TP.HCM cho biết, một số bệnh nhân thấy mắt mờ, đi khám bệnh mắt lại được phát hiện mắc bệnh giang mai.

Điển hình là bệnh nhân nam, 43 tuổi, ở Long An, có quan hệ đồng giới và đang điều trị nhiễm HIV. Gần đây bệnh nhân này phát hiện thấy mắt mờ dần đi trong 3 tuần, sau đó thấy nổi đỏ ở lòng bàn tay và bàn chân.

Bệnh nhân đi khám mắt thì được chẩn đoán viêm màng bồ đào cả hai mắt và chuyển đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Tại đây, bác sĩ đã phát hiện bệnh nhân mắc bệnh giang mai với kết quả huyết thanh học dương tính.

Một bệnh nhân nam khác, 24 tuổi, ngụ ở quận Gò Vấp, TP.HCM, có quan hệ đồng giới nam. Khoảng một tuần nay, bệnh nhân này có cảm giác chói mắt và đau quanh mắt, sau đó không nhìn thấy rõ, kèm theo xuất hiện nốt đỏ ở mặt và thân mình. Bệnh nhân đi khám chuyên khoa mắt được chẩn đoán viêm màng bồ đào trái và cũng được chuyển đến Bệnh viện Da liễu TP.HCM. Tại đây, bệnh nhân được bác sĩ cho xét nghiệm với kết quả huyết thanh học giang mai dương tính.

Bệnh giang mai khiến cho người bệnh phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe.

Bệnh giang mai khiến cho người bệnh phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe.

Hệ lụy khi mắc bệnh giang mai tới sức khỏe

Bệnh giang mai lây lan khi người lành tiếp xúc trực tiếp với các săng giang mai của người bệnh qua quan hệ tình dục đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng.

Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm hoặc qua các vết xước trên da, niêm mạc. Ngoài ra, bệnh có thể lây truyền qua đường máu hoặc từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai.

Sau khi chữa khỏi, bệnh giang mai sẽ không tự tái phát. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể tái nhiễm, nếu tiếp xúc với vết loét giang mai của một người khác.

Có thể nói, giang mai là một trong những lây nhiễm gây nhiều hệ lụy cho sức khỏe gồm:

- Tại hệ thần kinh: Xoắn khuẩn giang mai có thể tấn công vào hệ thần kinh trung ương và gây viêm màng não, làm tổn thương mạch máu não, teo dây thần kinh, suy giảm thị giác, động kinh, nghiêm trọng hơn là gây mù lòa.

- Tại thị giác: Bệnh giang mai có thể gây ra nhiều tổn thương ở mắt như xuất hiện các dị thường ở đồng tử, đồng tử nhỏ hẹp, thị lực suy giảm, mất phản xạ ánh sáng dẫn đến mù vĩnh viễn.

- Rối loạn chức năng co thắt: Bệnh nhân khi đó gặp phải nhiều vấn đề về tiểu tiện như tiểu không kiểm soát, tiểu rắt, tiểu khó, tiểu buốt, đau mỗi khi đi tiểu, bí tiểu...

- Đau nhức các chi: Khi bị nhiễm bệnh giang mai, bệnh nhân thường gặp phải các cơn đau giống kim châm, dao cứa ở các cơ, tay và chân. Bên cạnh đó, bệnh nhân còn gặp phải nhiều khó khăn trong việc đi lại, bước đi không vững, khi bệnh tiến triển nặng, bệnh nhân không thể đi lại và dễ bị bại liệt hoàn toàn.

- Về xương khớp: Bệnh có thể gây ra những cơn đau ở đầu gối, hông, vùng mắt cá chân, một số trường hợp còn bị đau ở chi trên, đau ở các đốt sống lưng. Các khớp khi bị tổn thương gây thoát vị, từ đó dẫn đến gãy xương.

- Về nội tạng: Gây tổn thương các cơ quan nội tạng như tắc nghẽn, hẹp ở động mạch vành, đau kèm tức ngực, khó thở, đau thắt ở lồng ngực, thậm chí là dẫn đến suy tim, tử vong.

- Tại hệ tim mạch: Có thể kể đến một vài biến chứng nguy hiểm như phình động mạch chủ, hỏng van tim, tổn thương tim mạch, vỡ mạch... từ đó dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, khi xoắn khuẩn giang mai xâm nhập vào cơ thể còn tấn công nhanh chóng vào các bộ phận của cơ thể, đặc biệt là chúng có thể làm tê liệt tủy sống của bệnh nhân, khi đó nguy cơ tử vong là rất cao.

- Ảnh hưởng đến khả năng sinh sản

Một trong những tác hại nguy hiểm do bệnh giang mai gây ra là làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bệnh nhân. Xoắn khuẩn giang mai không chỉ tàn phá các cơ quan nội tạng mà nó còn dễ tấn công vào các bộ phận ở cơ quan sinh dục của bệnh nhân.

Bệnh nhân khi đó dễ gặp phải các bệnh viêm nhiễm như viêm ống dẫn tinh, viêm tuyến tiền liệt, viêm cổ tử cung, viêm buồng trứng... làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản. Đã có không ít các trường hợp gặp phải biến chứng vô sinh hiếm muộn do không đi chữa trị ngay khi mắc phải bệnh giang mai.

Tổn thương do giang mai.

Tổn thương do giang mai.

- Ảnh hưởng đến phụ nữ mang thai, trẻ em

Bệnh giang mai ở phụ nữ mang thai còn dẫn đến rất nhiều biến chứng nguy hiểm cho cả thai phụ và trẻ sơ sinh. Thai phụ dễ gặp phải hiện tượng sảy thai, sinh non, thai chết lưu...

Em bé bị nhiễm bệnh giang mai bẩm sinh thường gặp phải các dị tật, bị nhiễm trùng, dị dạng, chậm phát triển về trí tuệ và thể chất, bị viêm giác mạc dẫn đến mù lòa, mắc bệnh tim bẩm sinh, thậm chí là dễ tử vong.

- Ảnh hưởng đến sinh hoạt

Bệnh nhân mắc phải bệnh giang mai thường sống trong sự lo lắng, sợ hãi do mắc phải căn bệnh mà cả xã hội xa lánh. Chính điều này khiến bệnh nhân luôn cảm thấy tự ti, không dám giao tiếp với những người xung quanh, luôn sống thu mình.

Khi bị phải bệnh giang mai, mọi sinh hoạt của bệnh nhân đều gặp nhiều khó khăn. Bệnh nhân thường cảm thấy khó chịu, phiền toái do có sự xuất hiện của các vết loét ở trên cơ thể, đặc biệt là ở bộ phận sinh dục.

Điều này làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, cuộc sống của bệnh nhân. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng có cảm giác khó chịu trong chuyện ấy, lâu dần dễ chán nản, mất đi ham muốn tình dục làm ảnh hưởng đến chất lượng đời sống tình dục.

- Dễ bị lây nhiễm các bệnh xã hội

Những bệnh nhân nào bị bệnh giang mai nếu không chữa trị kịp thời, đúng cách còn dễ mắc thêm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác như sùi mào gà, lậu, HIV/AIDS...

Tóm lại: giang mai khiến cho người bệnh phải đối mặt với nhiều vấn đề về sức khỏe. Vì thế, nếu bạn có nghi ngờ về khả năng tiếp xúc với bệnh giang mai, tốt nhất là đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Đôi khi, không thể tự nhận biết các triệu chứng của bệnh này mà cần phải thực hiện xét nghiệm máu. Khi đến gặp bác sĩ, hãy cung cấp thông tin sau đây: Chỉ ra các vết loét gây nghi ngờ là có dấu hiệu của bệnh. Thông báo rằng bạn đã có quan hệ với người mắc bệnh giang mai. Thông tin rằng bạn đã có quan hệ tình dục nhưng chưa từng thực hiện xét nghiệm máu để kiểm tra bệnh giang mai.