Bệnh tả, lỵ trực khuẩn, nhiễm Norovirus hay Rotavirus là những bệnh liên tiếp tấn công cộng đồng, gây thiệt hại lớn về người, nhất là trẻ em trong thời gian gần đây.
Bệnh tả là một nhiễm trùng cấp tính của ruột non do Vibrio cholerae, tiết ra độc tố gây ra tiêu chảy dữ dội, dẫn đến mất nước, thiểu niệu, và trụy mạch. Nhiễm bệnh thông thường là qua nước bị ô nhiễm hoặc hải sản.
Bệnh kiết lỵ chỉ tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do vi khuẩn shigella, E. coli, salmonella… và một số vi khuẩn khác gây ra. Chúng xâm nhập vào cơ thể người bằng cách lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với vi khuẩn có trong phân; qua các loại thực phẩm, nước uống bị ô nhiễm hoặc khi bơi lội trong nước bẩn.
Còn norovirus là nguyên nhân phổ biến nhất của viêm dạ dày ruột. Có thể diễn biến đột ngột với nôn mửa và tiêu chảy dữ dội nên thường được gọi là virus gây nôn mửa. Virus rất dễ lây và thường lây lan qua thực phẩm hoặc nước bị ô nhiễm trong khâu chế biến hoặc tiếp xúc với các bề mặt chứa virus. Cũng có thể bị lây nhiễm qua tiếp xúc với người bị bệnh.
Cuối cùng là bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus gây ra. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ và nguy cơ cao dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời. Virus có thể lây lan qua những thực phẩm hay vật dụng nhiễm bẩn vào cơ thể người, sau đó qua đường tiêu hóa và lây lan từ người này sang người khác qua tiếp xúc tay - miệng hoặc với phân của người bị nhiễm bệnh.
Cách phân biệt triệu chứng tiêu chảy khác nhau ở 4 bệnh trên
Theo trang web chính thức của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc, tiêu chảy do các bệnh trên gây ra là tiêu chảy nhiễm trùng. Có thể chia tiêu chảy nhiễm trùng thành hai loại là tiêu chảy viêm nhiễm và tiêu chảy xuất tiết.
Tiêu chảy do viêm là tình trạng tiêu chảy do mầm bệnh xâm nhập vào tế bào biểu mô và gây viêm. Thường kèm theo sốt, phân chủ yếu là chất nhầy hoặc nhầy máu, soi phân bằng kính hiển vi thấy nhiều hồng cầu và bạch cầu.
Còn tiêu chảy xuất tiết là tiêu chảy do mầm bệnh hoặc các sản phẩm của chúng tác động lên tế bào biểu mô ruột, gây tăng tiết dịch ruột hoặc kém hấp thu, cũng có khi là cả 2. Hầu hết bệnh nhân không kèm theo sốt, phân lỏng hoặc nhiều nước, soi phân hầu hết là có mủ, hoặc có thể thấy một ít hồng cầu và bạch cầu.
Dựa trên biểu hiện lâm sàng, cho thấy bệnh tả, nhiễm norovirus và rotavirus thuộc loại tiêu chảy xuất tiết. Còn lại bệnh lỵ trực khuẩn là một bệnh tiêu chảy do viêm nhiễm. Cách nhận biết đúng, tránh nhầm lẫn giữa các bệnh này thông qua đặc điểm của triệu chứng tiêu chảy chi tiết như sau:
1. Tiêu chảy do bệnh tả
Bệnh nhân đi tiêu chảy liên tục, nhiều lần, phân toàn nước, nước phân đục như nước vo gạo. Số lần tiêu chảy và số lượng nước mất thay đổi tùy từng trường hợp nặng nhẹ khác nhau, có thể lên 40 - 50 lần/ngày, mất 5 - 10 lít nước/ngày. Một số bệnh nhân nặng thì phân có thể chảy thẳng ra ngoài hậu môn và không đếm được.
Tiêu chảy do bệnh tả cũng thường kèm theo nôn. Lúc đầu nôn ra thức ăn, sau chỉ toàn nước trong hoặc vàng nhạt. Bệnh nhân không đau bụng, không sốt, người mệt lả, có thể bị chuột rút, biểu hiện tình trạng mất nước nhẹ đến nặng như: khát nước, da khô, nhăn nheo, hốc hác, mắt trũng, mạch nhanh, huyết áp hạ, có khi không đo được, tiểu tiện ít hoặc vô niệu, chân tay lạnh...
2. Tiêu chảy do nhiễm Norovirus
Tiêu chảy là một triệu chứng phổ biến hàng đầu khi bị Norovirus tấn công. Tuy nhiên điểm khác biệt là tiêu chảy luôn đi kèm với nôn mửa dữ dội, ít sốt hoặc sốt nhẹ và đau bụng. Một số người bị đau đầu, đau nhức toàn thân.
Triệu chứng tiêu chảy trong trường hợp này không quá nhiều lần nhưng thường nặng hơn tiêu chảy cấp do các mầm bệnh khác đã liệt kê ở trên. Phân lỏng hoặc nhiều nước, không nhầy, không lẫn mủ và máu. Tiêu chảy thường xảy ra sau khi sốt và buồn nôn, nôn. Người lớn thường tiêu chảy khoảng 4 - 10 lần mỗi ngày. Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ từ 6 tháng đến 2 tuổi tiêu chảy dữ dội lên đến mười hoặc thậm chí hàng chục lần một ngày.
3. Tiêu chảy do nhiễm Rotavirus
Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm Rotavirus, tuy nhiên bệnh thường xảy ra nhất đối với trẻ dưới 2 tuổi, có thể dẫn đến trụy mạch rồi tử vong.
Tiêu chảy do Rotavirus gây ra thường bắt đầu sau khi bị lây nhiễm khoảng 1 - 2 ngày. Nôn ói xuất hiện trước khi bị tiêu chảy khoảng 6 - 12 giờ hoặc có thể kéo dài từ 2 - 3 ngày. Những ngày đầu trẻ thường nôn rất nhiều và dần dần giảm bớt rồi sau đó đến tiêu chảy.
Trẻ đi ngoài phân lỏng như nước, có lúc màu xanh dưa cải, có thể kèm theo nhớt nhưng không có máu. Vài ngày sau đó tiêu chảy ngày càng tăng kéo dài khoảng 3 - 9 ngày. Ngoài ra, trẻ có thêm những dấu hiệu như sốt vừa phải, đau bụng, ho và chảy nước mũi.
4. Tiêu chảy do bệnh lỵ trực khuẩn
Triệu chứng tiêu chảy do bệnh lỵ trực khuẩn là khác biệt nhất do với 3 bệnh đã nêu trên. Nó thuộc loại tiêu chảy viêm nhiễm với đặc điểm điển hình là có lẫn máu và nhiều chất nhầy trong phân đi kèm với sốt, đau bụng quặn thắt.
Bệnh lỵ trực khuẩn khiến người bệnh bị tiêu chảy khoảng 20 - 40 lần/ ngày nhưng sẽ đi kèm đau bụng, lượng phân ít và mót rặn mỗi khi đại tiện. Đau bụng thì đau quặn từng cơn, thường ở nửa dưới bụng trái và đau thắt ở vùng trực tràng. Đồng thời sẽ kèm theo sốt cao từ 39 đến 40 độ C một cách đột ngột cùng cảm giác ớn lạnh. Ở trẻ em có thể gặp co giật do sốt cao.
Tuy nhiên, việc tự phân biệt cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ nhầm lẫn. Vì vậy nếu xảy ra tiêu chảy cấp đi kèm các triệu chứng nặng, tốt nhất là nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế gần nhất để được hỗ trợ kịp thời.
Nguồn và ảnh: Sohu, Asia One, Family Doctor