Mặc dù chưa có các bằng chứng cụ thể cho thấy hen thật sự là yếu tố nguy cơ dễ lây nhiễm COVID-19 hay bệnh hen sẽ tiến triển nặng khi nhiễm SARS-CoV2. Tuy nhiên, bệnh nhân hen nhất là hen nặng, đứng trước nguy cơ dễ nhiễm SARS-CoV-2 hơn và dễ có biến chứng nặng, nguy cơ tử vong cao trong thời kỳ dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp như hiện nay.
Giải thích điều này, các nhà nghiên cứu cho rằng nếu bệnh nhân hen suyễn bị nhiễm SARS-CoV-2 thì bệnh càng dễ trở nên nghiêm trọng, nguy kịch hơn do suy hô hấp bởi tổn thương phổi vì SARS-CoV-2 và do co thắt phế quản, tăng bài tiết bởi bệnh hen.
Vậy bệnh nhân hen cần làm gì, dưới đây là những bí quyết giúp người bệnh có thể tham khảo nhằm kiểm soát tốt bệnh của mình cũng như phòng tránh lây nhiễm COVID-19.
- Theo các nhà nghiên cứu, các dấu hiệu nhiễm COVID19 đều giống và có thể gây nhầm lẫn với việc bị hen dị ứng như hắt hơi, sổ mũi, mắt đỏ và mệt mỏi. Đây thực sự là vấn đề đáng quan ngại bởi nhiều người mắc hen trong đó hen dị ứng với các chất gây như bụi, côn trùng, vật nuôi, nấm mốc và phấn hoa sẽ kích hoạt bệnh hen trầm trọng hơn.Chính vì vậy, các nhà nghiên cứu khuyến cáo những người bị hen suyễn có thể có nguy cơ cao nhiễm COVID19 thể nặng, do bệnh có thể ảnh hưởng đến đường hô hấp (ví dụ: mũi, họng, và phổi) và làm khởi phát một cơn hen. COVID19 cũng có thể dẫn đến viêm phổi hay bệnh hô hấp cấp tính và tình trạng bệnh có thể nghiêm trọng hơn ở những người bị hen suyễn.
5 nguyên tắc cần nhớ
Để giảm thiểu nguy cơ xuất hiện triệu chứng hen và bảo vệ sức khỏe của bản thân, người bệnh hen cần nhớ thuộc lòng bước xử trí đơn giản như sau:
1. Thực hiện nghiêm túc chỉ định của thầy thuốc, sử dụng các thuốc kiểm soát hen hàng ngày như đã được chỉ định. Điều này sẽ giúp bệnh nhân tránh nguy cơ lên cơn hen kịch phát do mọi virus hô hấp, trong đó có virus SARS-CoV-2.
2. Người bệnh cần theo dõi sát các triệu chứng hen của mình và thực hiện theo các điều ghi nhớ vì nó sẽ giúp nhận biết và xử trí các triệu chứng cơn hen, và nhận biết được khi nào cần phải tham vấn ý kiến bác sĩ hay đi khám cấp cứu khi cần.
3. Người bệnh hen luôn mang theo bên mình dù bất cứ lúc nào cũng phải có thuốc cắt cơn hen để sử dụng khi có triệu chứng cơn hen.
4. Người bệnh cũng cần phải mang theo số điện thoại để ở trong túi áo và luôn nhớ đến số điện thoại tư vấn của bác sĩ điều trị hen hay số điện thoại của người thân gần nhất khi cần có thể giúp đỡ được.
5. Điều cuối cùng cần phải biết tự chăm sóc chính mình. Cần nghỉ ngơi đầy đủ, uống đủ nước và có chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, chú ý đến thức ăn gây di ứng.
Hình ảnh phế quản người bị hen suyễn.
Ngoài ra người bệnh cũng cần thực hiện để giảm thiểu nguy cơ nhiễm và phát tán COVID-19 bằng cách rửa tay thường xuyên, đúng cách với xà phòng.
Mang khẩu trang theo đúng khuyến cáo. Sử dụng khăn giấy hay cánh tay để che mũi miệng khi ho, hắt hơi, không che bằng bàn tay.Tránh chạm tay vào mắt, mũi, miệng. Lau, tẩy trùng các vật dụng và bề mặt thường xuyên đụng chạm: đồ chơi, điện thoại, nắm cửa.
Cần ở nhà nếu người không khỏe và nếu có bệnh cho đến khi không còn triệu chứng nữa. Hạn chế không tiếp xúc gần gũi với người khác có vẻ không khỏe mạnh. Luôn cập nhật thông tin chính xác, chính thống về COVID-19 từ Bộ Y tế, chính quyền địa phương, ngành y tế địa phương, Chính phủ...
Về vấn đề tái khám hen định kỳ, hiện nhiều địa phương trong thời kỳ dịch COVID-19 phức tạp nên người bệnh cần hoãn các tái khám định kỳ.
Trường hợp hoãn tái khám được áp dụng với các bệnh nhân hen mức độ nặng mà hen kiểm soát tốt trong 5-12 tháng qua, bệnh nhân hen nhẹ và mức trung bình.
Bệnh nhân hen cần thiết sử dụng hình thức tư vấn sức khỏe từ xa bằng cách sử dụng điện thoại, sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông mình nhằm đảm bảo bệnh nhân được tiếp tục chăm sóc tại nhà ngay trong điều kiện cách ly, giãn cách xã hội, hạn chế đến bệnh viện hay các cơ sở y tế khi dịch bệnh có diễn biến phức tạp.