"Làm sao để có thể hạ huyết áp?", câu hỏi này thường được nghe nhiều nhất ở các phòng khám tim mạch. Ngoài việc hạ huyết áp bằng cách sử dụng thuốc thì phần lớn thói quen sinh hoạt sẽ giúp bạn ổn định được huyết áp của mình.
Các chuyên gia tim mạch chỉ ra rằng: "Nếu bạn có chế độ ăn ít muối, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát cân nặng, huyết áp sẽ giảm xuống một cách tự nhiên".
Không được vượt quá 5g muối mỗi ngày
Kết quả điều tra mới nhất của Bộ Y tế cho thấy, tính riêng tại Việt Nam, 25% dân số mắc bệnh về tim mạch và tăng huyết áp. Theo GS.TS Nguyễn Văn Thông, Chủ tịch hội Đột quỵ Việt Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm đột quỵ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 có tới gần 60% người bị tăng huyết áp ở Việt Nam chưa được phát hiện và hơn 80% chưa được điều trị. Mỗi năm Việt Nam ghi nhận thêm khoảng 200 nghìn ca đột quỵ mới, 80% trong đó là người bị tăng huyết áp.
Tăng huyết áp được hình thành từ nhiều nguyên nhân, trong đó có thói quen ăn mặn, sử dụng nhiều gia vị, muối, mắm trong đồ ăn hàng ngày của người Việt.
Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 5g muối trong một ngày để phòng chống bệnh tật và bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, hiện nay trung bình 1 người Việt trưởng thành tiêu thụ tới 9,4g muối trong một ngày, cao gần gấp đôi so với khuyến nghị của WHO. Trong khi đó, hiểu biết về tác hại do ăn thừa muối và thực hành ăn giảm muối của người dân ở cộng đồng còn hạn chế.
"Bí quyết" hạ huyết áp của người Nhật
Ăn nhạt hơn có thể giảm nguy cơ đột quỵ, Nhật Bản đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng việc giảm ăn mặn ở người Nhật cũng làm giảm tỷ lệ tử vong do đột quỵ.
Giảm lượng muối ăn hàng ngày dưới ngưỡng cho phép sẽ giúp giảm tối đa nguy cơ đột quỵ. Ảnh minh hoạ
Theo các chuyên gia tim mạch việc sử dụng nhiều muối ăn trong thực đơn hàng ngày khiến bệnh gia tăng. Các ion natri trong muối sẽ giữ nước trong mạch máu, khiến sức căng của động mạch tăng lên, từ đó theo thời gian sẽ làm bạn bị tăng huyết áp.
Cao huyết áp lâu dài có thể dẫn đến đột quỵ và bệnh tim. Theo phân tích dữ liệu nghiên cứu của các chuyên gia tim mạch cho thấy: Ăn mặn, đặc biệt nếu bạn ăn nhiều hơn 5g muối mỗi ngày so với tiêu chuẩn bình thường, sẽ làm tăng nguy cơ đột quỵ từ 17% - 23%.
Người Nhật đã giảm được lượng muối ăn hàng ngày xuống khoảng 1,7g và đã giảm được tỷ lệ tử vong do đột quỵ của toàn bộ dân số đến 80%.
Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để bạn tính toán lượng muối hàng ngày của mình để biết nó có vượt quá giới hạn không? Trên thực tế, bạn không cần thiết phải đong đếm từng gam, chỉ cần bạn cảm thấy vị mặn trong thức ăn nghĩa là đã có quá nhiều muối. Vì bản thân mỗi thực phẩm đã có chứa một lượng muối riêng trong đó, nên bạn hạn chế lượng gia vị cho vào thêm là đã có thể có chế độ ăn nhạt phù hợp.
Nếu bạn ăn tại nhà có thể chế biến mỗi ngày một bữa với những loại thực phẩm không cần nêm gia vị gì cả. Ví dụ như trái cây, khoai lang, ngô, bột yến mạch, cá hấp, v.v., và nếu bạn không tập thể dục, hãy nhớ tránh uống quá nhiều "đồ uống thể thao" vì chúng thường chứa nhiều muối.
Khi nấu ăn cho người cao tuổi trong nhà, bạn càng cần chú ý đến lượng muối trong bữa ăn xem có đủ không, vì người cao tuổi có nguy cơ đột quỵ cao hơn cả. Bên cạnh đó cũng lưu ý đến chỉ số huyết áp thường xuyên của họ.
Những lưu ý gì cho người bệnh tăng huyết áp vào mùa hè
Theo ThS.BS Văn Đức Hạnh, Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai, huyết áp của con người không phải là một con số cố định. Huyết áp thay đổi theo thời gian (ngày hoặc đêm), hoạt động thể lực và xúc cảm.
Thường huyết áp ban đêm thấp hơn huyết áp ban ngày, người ta gọi đó là hiện tượng trũng của huyết áp. Huyết áp khi cơ thể nghỉ ngơi có giá trị thấp hơn huyết áp khi cơ thể hoạt động. Tuy nhiên vẫn cần đề phòng huyết áp tăng vào ban đêm.
Người bị tăng huyết áp nên theo dõi định kỳ huyết áp trong ngày gồm cả ban ngày và ban đêm. Ảnh minh hoạ
Thực tế cho thấy rằng huyết áp cao vào ban đêm nguy hiểm hơn, có nguy cơ biến cố tim mạch rất cao. Do đó, BS Văn Đức Hạnh khuyến cáo, người bị tăng huyết áp nên theo dõi định kỳ huyết áp trong ngày gồm cả ban ngày và ban đêm... Đồng thời cần thông báo để bác sĩ điều chỉnh liều lượng thuốc và thời gian uống thuốc cho phù hợp.
Thông thường, huyết áp của chúng ta vào mùa hè thường có xu hướng thấp hơn huyết áp vào mùa đông. Lý do được giải thích rằng vào mùa đông, nhiệt độ lạnh nên làm co mạch từ đó huyết áp cao hơn một chút. Còn mùa hè làm cho cơ thể toả nhiệt, ra mồ hôi, tăng hoạt hoá hệ thần kinh giao cảm từ đó gây dãn mạch và huyết áp có xu hướng thấp hơn. Vì thế, chúng ta cũng thấy các biến cố tim mạch bao gồm cả tử vong, suy tim... hay gặp nhất vào mùa đông hơn vào mùa hè.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là tăng huyết áp vào mùa hè không nguy hiểm như thời điểm mùa đông. Theo BS Văn Đức Hạnh, để duy trì huyết áp ổn định trong mùa hè cần tuân thủ chế độ uống thuốc; uống nước đầy đủ, tránh mất nước; tránh đi ra ngoài hoặc làm việc trực tiếp dưới trời nắng gắt.
Đặc biệt chú ý khi sử dụng điều hoà không nên để nhiệt độ trong phòng quá lạnh. Nhiệt độ quá thấp sẽ gây ra co mạch đột ngột, làm gia tăng huyết áp từ đó có thể gây biến cố tim mạch. Theo đó, nhiệt độ phòng thích hợp nên duy trì cho người cao tuổi là từ 25 - 28 độ C.
Cách đo huyết áp chính xác - Nên nghỉ ngơi, không hoạt động thể lực trước khi đo huyết áp khoảng 5 – 15 phút; - Không sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê, thuốc lá; - Đo huyết áp ít nhất hai lần, mỗi lần cách nhau 1 – 2 phút. Nếu trị số huyết áp giữa hai lần đo chênh nhau quá 10mmHg thì nên đo lại lần thứ ba sau khi nghỉ ngơi khoảng 5 phút. Trị số huyết áp là giá trị trung bình của hai lần đo cuối cùng; - Người bệnh có thể theo dõi huyết áp của một lần trong ngày và nên ghi lại con số huyết áp của mình vào sổ riêng để theo dõi. Có thể đo thêm nếu có các triệu chứng như nhức đầu, chóng mặt; - Trong các trường hợp huyết áp không ổn định, người bệnh nên gọi điện cho bác sỹ của mình để tư vấn kịp thời. ThS.BS Văn Đức Hạnh Viện Tim Mạch Việt Nam - Bệnh viện Bạch Mai |