Bác sĩ Chen Rongjian, Giám đốc điều hành Trung tâm Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu của Bệnh viện đa khoa Minsheng (Trung Quốc) đã nhiều lần cảnh báo người trẻ tuổi về những thói quen ăn uống gây bệnh dạ dày. Thậm chí, trong cuốn sách xuất bản gần đây nhất của mình, ông đã dành nhiều trang để kêu gọi rằng: dù bận rộn đến đâu, bạn cũng phải chăm sóc tốt dạ dày của mình!
Để lấy ví dụ cho kiểu ăn uống gây hại dạ dày, ông đã chia sẻ một trường hợp bệnh nhân nữ khá đặc biệt. Theo đó, cô này khoảng 30 tuổi và còn độc thân, đang làm công việc liên quan đến lĩnh vực Truyền thông - Marketing. Cô đến bệnh viện thăm khám bởi vì nghĩ rằng mình mắc bệnh ung thư.
Ảnh minh họa
Cụ thể, từ nửa năm trước cô rất dễ sụt cân, ăn cũng không ngon miệng như trước. Lúc đầu, công việc bận rộn khiến cô không chú ý lắm, nhưng khi phát hiện mình bị sụt đến tận 15kg chỉ trong hơn 2 tháng, đi kèm với táo bón và hay buồn nôn thì cô bắt đầu lo lắng. Sau khi tham khảo các thông tin trên internet, cô cho rằng mình mắc một căn bệnh ung thư nào đó nên vội vã tới bệnh viện thăm khám.
Theo lời kể từ bác sĩ Chen, cô gái bước vào phòng khám với dáng người gầy gò, khuôn mặt xanh xao và tâm trạng bất ổn. Chưa kịp thăm khám cô đã liên tục yêu cầu bác sĩ kiểm tra xem mình còn bao nhiêu thời gian để sống, bệnh ung thư của mình có thể hóa trị hay xạ trị gì không. Các y tá cũng mất khá nhiều công sức để cô bình tĩnh lại và lắng nghe những gì bác sĩ nói.
Ảnh minh họa
Cuối cùng, kết quả kiểm tra cho thấy cô mắc bệnh liệt dạ dày. Thậm chí, dạ dày của bệnh nhân sa xuống khoang chậu và chèn ép ruột già, dẫn đến táo bón, đau bụng và nhiều khó chịu khác khi sinh hoạt.
Người trẻ cần cảnh giác với bệnh liệt dạ dày do thói xấu khi ăn uống
Theo bác sĩ Chen Rongjian, rất ít người trẻ hiểu về bệnh liệt dạ dày. Khi nhắc đến bệnh dạ dày, họ thường chỉ nghĩ đến đau dạ dày, viêm loét dạ dày hoặc ung thư dạ dày. Điều đáng buồn hơn là dù biết rằng ăn uống thất thường, nhịn ăn, mất cân bằng dinh dưỡng có thể gây ra các bệnh này nhưng họ vẫn không chú tâm đến việc làm thế nào để thay đổi.
Ví dụ như trường hợp cô gái vừa kể trên, cô quá bận rộn nên ăn uống rất thất thường. Đầu tiên, cô rất khi ăn sáng đàng hoàng. Phần lớn những ngày trong tuần cô đều bỏ bữa sáng, cuối tuần thì tranh thủ thời gian để ngủ nướng nên cũng không ăn sáng. Những ngày có thể ăn sáng thì cũng thường mua đại món gì đó trên đường đi làm hoặc bánh mì đóng gói sẵn ở siêu thị, sau đó ăn vội ăn vàng chứ chẳng quan tâm đến mùi vị.
Ảnh minh họa
Ngay cả với bữa trưa, cô gái này cũng thường ăn rất muộn vì bận giải quyết công việc. Cô cho biết, lúc đầu là cô không muốn công việc của mình bị gián đoạn nên mới trì hoãn ăn trưa, nhưng lâu dần cô còn không cảm thấy đói mỗi khi giờ nghỉ trưa tới nữa. Cứ như vậy, nếu buổi chiều đói bụng cô sẽ tùy tiện mua một món ăn vặt gì đó ở cửa hàng tiện lợi gần công ty, không thì chờ buổi tối về nhà ăn bù lại nhiều hơn.
Cô cũng thường mua sẵn bánh kẹo, bột ngũ cốc để phòng những lúc phải ra ngoài giải quyết công việc hoặc cảm thấy chán ăn cơm. Thậm chí, những ngày tăng ca về muộn cô còn bỏ luôn bữa tối và có sở thích ăn đồ nhiều dầu mỡ vào bữa khuya, gần giờ đi ngủ. Trước đây, cô cũng từng có một thời gian dài vì giảm cân mà chỉ ăn salad và trứng luộc.
Tất cả những thói quen xấu này đã khiến dạ dày của cô bị tổn thương, lâu dần dẫn tới liệt dạ dày, sa trễ dạ dày. Đồng thời cô cũng bị suy dinh dưỡng và trào ngược dạ dày thực quản, táo bón mãn tính.
Bác sĩ Chen giải thích, bệnh liệt dạ dày là tình trạng các cơ co thắt của dạ dày hoạt động không bình thường, làm cản trở khả năng tiêu hóa thức ăn. Khi đó, dạ dày sẽ không co bóp, nghiền nát thức ăn hoặc đưa thức ăn xuống ruột non một cách bình thường. Thức ăn dễ đông cứng lại thành khối rắn có thể gây buồn nôn, ói mửa và làm tắc nghẽn dạ dày.
Ảnh minh họa
Bệnh của cô gái còn do cô thường ngồi lâu một chỗ, ít vận động và hay thức khuya. Vì vậy, ngoài điều trị bằng thuốc, bổ sung vitamin, điều chỉnh chế độ ăn uống thì cô còn phải thay đổi thói quen đi ngủ, tập thể dục đều đặn theo chỉ định. Bất kể công việc bận rộn đến đâu, cô buộc phải ăn đủ 3 bữa một ngày và ăn đúng giờ, đủ chất. Dù là cuối tuần cũng phải thực hiện ít nhất 1800 bước di chuyển thông qua đi bộ, chạy bộ, nhảy dây.
May mắn là sau khoảng gần 7 tuần thực hiện phác đồ điều trị, các triệu chứng khó chịu của cô gái đã gần như biến mất. Tái khám cho thấy chức năng dạ dày cũng được phục hồi tốt, cân nặng của cô bắt đầu tăng trở lại, tâm trạng vui vẻ và ăn uống ngon miệng hơn.
Nguồn và ảnh: Aboluowang, ETtoday, Healthline