Biến chứng cực kỳ nguy hiểm của ung thư đại tràng

Nếu ung thư đại tràng để quá muộn sẽ gây những biến chứng nguy hiểm như: Tắc ruột, thủng ruột, áp xe quanh khối u và di căn.

Theo TS.BS Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc Bệnh viện K, điều trị ung thư là một điều trị đa mô thức. Theo những nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới cũng như các nghiên cứu trong nước chứng minh điều trị ung thư khi chẩn đoán ở giai đoạn sớm mang lại kết quả tốt, không chỉ tốt cho bệnh nhân, nghĩa là khả năng điều trị kéo dài, bệnh nhân kéo dài hơn tối đa sự sống, tốt cho bác sĩ, chi phí điều trị thấp hơn. Vì thế, nếu chẩn đoán ung thư nói chung và ung thư đại tràng nói riêng ở giai đoạn sớm là một thuận lợi rất lớn cho người bệnh và cả thầy thuốc.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Nếu ung thư đại tràng để quá muộn sẽ gây những biến chứng nguy hiểm như: Tắc ruột, thủng ruột, áp xe quanh khối u và di căn.

Tắc ruột

Theo các nhà khoa học, có khoảng 30% các trường hợp ung thư đại tràng phải phẫu thuật cấp cứu do biến chứng tắc ruột. Hầu hết các trường hợp tắc ruột là do khối u làm tắc lòng đại tràng. Trong một số trường hợp, do thành đại tràng có khối u bị viêm, phù nề nên lòng đại tràng vốn đã hẹp lại càng hẹp hơn. Một nguyên nhân khác làm tắc ruột là do lồng ruột, thường gặp khối u ở manh tràng lồng vào đại tràng lên. Tắc ruột đại tràng khác với tắc ruột ở ruột non, tình trạng rối loạn nước và chất điện giải xuất hiện rất sớm trong tắc ruột non nhưng lại muộn hơn khi tắc ruột ở đại tràng.

Vì vậy triệu chứng toàn thân cũng khác, ở ruột non chỉ sau 2 ngày bị tắc ruột thì tình trạng toàn thân đã suy sụp nhiều, trái lại ở đại tràng sau 3 - 4 ngày bị tắc ruột thì tình trạng toàn thân vẫn còn tốt; do đó nếu ruột non bị tắc cần phải phẫu thuật ngay, còn đại tràng bị tắc có thể chờ đợi được.

Thủng ruột

Biến chứng thủng ruột thường gặp ở bệnh nhân đến bệnh viện với hội chứng viêm phúc mạc hoặc tắc ruột. Tỉ lệ người bệnh bị tử vong sau phẫu thuật chiếm tỉ lệ rất cao, bệnh nhân bị tử vong không phải do phẫu thuật mà vì nhiễm khuẩn nặng. Lỗ thủng ruột có thể ở ngay khối u hoặc ở ngoài khối u, ở gần hoặc ở xa khối u; thực tế có thể gặp trường hợp tắc ruột ở đại tràng xích ma nhưng lại bị thủng ruột ở manh tràng. Việc quyết định xử trí tùy theo vị trí của lỗ thủng và tình trạng toàn thân của bệnh nhân.

Áp-xe quanh khối u

Biến chứng này không phải là hiếm gặp nhưng khó chẩn đoán, dễ nhầm lẫn với áp-xe ruột thừa, viêm túi mật cấp tính, áp-xe phần phụ... Dù áp-xe quanh khối u ở bên phải hay bên trái đều cần phải chích áp-xe, khi mủ đã bớt nhiều trong khoảng từ 7 - 10 ngày sau, phải mở bụng ra kiểm tra khối u và các cơ quan trong hố bụng; tùy tình trạng bệnh nhân và vị trí của khối u để xử trí.

Di căn

Xuất hiện muộn ở niêm mạc thành bụng, ở gan hoặc ở buồng trứng, các hạch... Thông thường trong khi phẫu thuật mới phát hiện thấy hiện tượng di căn. Sau phẫu thuật có thể có di căn ở phổi, phát hiện bằng cách chụp hình phổi. Cần theo dõi sự tái phát hoặc hiện tượng di căn sau phẫu thuật bằng xét nghiệm định lượng CEA (carcinoma embryonic antigen) là kháng nguyên phôi ung thư biểu mô...

Bác sĩ khuyến cáo, ung thư đại tràng có thể phòng tránh được thông qua thói quen ăn uống lành mạnh. Có nhiều yếu tố nguy cơ mà mọi người có thể phòng tránh được như:

- Hạn chế ăn các loại thịt đỏ. 

- Bổ sung các thức ăn chứa nhiều chất xơ (rau xanh, trái cây) giúp làm giảm nguy cơ mắc ung thư vì chất xơ giúp gia tăng tiêu thụ acid folic, gia tăng kết hợp chất xơ với các yếu tố sinh ung thư dẫn đến việc loại khỏi lòng ruột sớm vì giảm thời gian ứ đọng phân. Ngoài ra, chất xơ làm giảm pH trong lòng đại tràng và tăng sản xuất các acid béo chuỗi ngắn và yếu tố vi lượng chống hiện tượng ôxy hóa.

- Hạn chế các loại nước uống chứa cồn, rượu bia, thuốc lá để giảm nguy cơ ung thư đại tràng.

- Hoạt động thể lực, vận động hay luyện tập thể dục sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư đại tràng.