Bộ Y tế đang cho giải trình tự gene ca bệnh chuyên gia Nhật để xác định chủng virus

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, kết quả của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trong sáng 15/2 cho thấy, nồng độ virus của bệnh nhân này ở mức độ khá cao.

Chiều 15/2, báo cáo tại cuộc họp thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và các địa phương, GS.TS Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin cụ thể diễn biến dịch COVID-19 trên cả nước, đồng thời đề xuất Chính phủ và các địa phương các biện pháp ứng phó dịch sắp tới.

Liên quan đến bệnh nhân chuyên gia quốc tịch Nhật Bản, Hà Nội đã phong tỏa tại khách sạn Somesert Westpoint điều tra, phun khử khuẩn khu vực lấy mẫu và khu vực môi trường xung quanh. Qua điều tra sơ bộ, đã lấy 500 mẫu, trong đó có 18 trường hợp F1 (đã lấy mẫu bố, mẹ bệnh nhân nữ nói trên có kết quả âm tính).

Bộ Y tế đang cho giải trình tự gene ca bệnh chuyên gia Nhật để xác định chủng virus - 1

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.

Về trường hợp bệnh nhân mắc COVID-19 người Nhật Bản đã đột tử tại khách sạn ở Tây Hồ, Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, trường hợp này đã hoàn tất thời gian cách ly tại TP.HCM từ ngày 17-31/1/2021, đủ 14 ngày và đã qua 2 lần xét nghiệm có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Trường hợp này cách ly cùng 34 người khác và qua trích xuất camera, trong thời gian cách ly bệnh nhân thực hiện nghiêm quy định, không có tiếp xúc với bên ngoài.

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, kết quả của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương trong sáng 15/2 cho thấy, nồng độ virus của bệnh nhân này ở mức độ khá cao nên đưa ra hai giả thiết.

Giả thiết thứ nhất là mới lây nhiễm và có thể lây nhiễm ngay trong khu vực Hà Nội và không phải là F0. Bên cạnh trường hợp này, Hà Nội cũng phát hiện thêm hai trường hợp nữa cùng công ty với ca người Nhật Bản cũng cho kết quả xét nghiệm có nồng độ virus cao. Do đó nhiều khả năng mới bị lây nhiễm từ 5-7 ngày trước đó. Bộ đang cho giải trình tự gene và sẽ cho kết quả sau 48 giờ, khi đó mới xác định được chủng virus của bệnh nhân này.

Giả thiết thứ hai là ca bệnh này lây nhiễm từ khu cách ly (khi nhập cảnh vào Việt Nam). Dù có khả năng nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, giả thiết này có mức độ xảy ra thấp, vì 34 người khác cùng đi với bệnh nhân người Nhật và cùng cách ly tại khách sạn đó đều có kết quả âm tính.

Với ca bệnh này, Bộ Y tế cho rằng, Thành phố Hà Nội cần coi đây là ca lây nhiễm trong cộng đồng, phải triển khai biện pháp khoanh vùng, cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, truy vết những điểm bệnh nhân đến và làm việc. Từ trường hợp này cho thấy các địa phương cần tiếp tục đề cao cảnh giác và tăng cường biện pháp phòng chống COVID-19, tiếp tục theo dõi giám sát chặt chẽ những trường hợp, nhất là người nước ngoài nhập cảnh từ 15/1 đến nay.

Bộ Y tế khuyến cáo, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng vẫn luôn thường trực đặc biệt tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM khi đã có nhiều trường hợp mắc bệnh trong cộng đồng chưa rõ nguồn lây, đặc biệt khi người dân từ các địa phương quay trở lại làm việc.

Khi phát hiện các địa phương trường hợp mắc bệnh tại cộng đồng cần thực hiện quyết liệt các biện pháp xử lý dịch nhanh hơn một mức, cao hơn một mức; khẩn trương, tăng tốc thực hiện truy vết, phát hiện, cách ly, xét nghiệm, khoanh vùng, xử lý triệt để.