Nội dung được nêu trong công văn 9472 ngày 8/11 của Bộ Y tế ban hành gửi UBND các tỉnh/thành phố; các bộ/ngành... về việc triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ.
Công văn này được ban hành trên cơ sở theo dõi và tổng hợp ý kiến của các Bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai Nghị quyết số 128 của Chính phủ và Quyết định số 4800 của Bộ Y tế.
Theo công văn này, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố, các Bộ, ngành, chỉ đạo việc tổ chức, triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 128 và Quyết định số 4800; chủ động thường xuyên đánh giá cấp độ dịch theo từng cấp (từ cấp xã và khuyến khích quy mô nhỏ nhất có thể) để có các biện pháp y tế, hành chính phù hợp.
Đề nghị "công bố, cập nhật kết quả đánh giá trên Cổng thông tin điện tử của UBND cấp tỉnh và Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế" cũng được Bộ đưa ra.
Người từ địa bàn có dịch không phải trình kết quả xét nghiệm khi vào tỉnh, thành phố
Trong công văn, Bộ Y tế đề nghị các địa phương, bộ, ngành chỉ đạo tăng cường chủ động rà soát, giám sát, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ cao đến từ địa bàn có dịch theo hướng dẫn tại Quyết định số 4800 và Công điện số 1700 của Bộ Y tế.
Theo đó, các địa phương chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc test kháng nguyên nhanh (không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố). Trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 thì xử lý theo quy định.
Bộ Y tế lưu ý các địa phương chủ động xét nghiệm SARS-CoV-2, không đưa ra các yêu cầu người dân phải trình kết quả xét nghiệm khi vào địa bàn tỉnh, thành phố.
Bộ Y tế lưu ý căn cứ vào điều kiện thực tế tại địa phương, Sở Y tế chỉ đạo việc quản lý người nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở y tế hoặc tại nhà theo hướng dẫn của Bộ Y tế và thiết lập các trạm y tế lưu động để đảm bảo công tác chăm sóc sức khoẻ và phòng, chống dịch cho người dân.
Cán bộ y tế xã Cao Xá, huyện Lâm Thao, Phú Thọ thăm hỏi, phát túi thuốc cho F0 điều trị tại nhà.
Về tổ chức cách ly, theo dõi sức khỏe, Bộ Y tế hướng dẫn với 4 nhóm người nguy cơ cao về từ địa bàn có dịch tính theo tiêu chí tiêm vaccine.
Cụ thể:
Nhóm thứ 1: Người đã tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng tính đến thời điểm về địa phương (có giấy ra viện/giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19) thì sẽ tự theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú trong 7 ngày kể từ ngày về địa phương và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 vào ngày thứ nhất; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định;
Nhóm thứ 2: Người tiêm chưa đủ liều (thẻ vàng trên Sổ Sức khoẻ điện tử hoặc giấy chứng nhận tiêm chủng của cơ quan có thẩm quyền cấp) thì thực hiện cách ly tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 7 ngày tiếp theo và luôn thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm vào ngày thứ nhất, ngày thứ 7 kể từ ngày về địa phương;
Nhóm thứ 3: Người chưa được tiêm vaccine thì thực hiện cách ly 14 ngày kể từ ngày về địa phương; tiếp tục tự theo dõi sức khỏe trong 14 ngày tiếp theo và nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K; thực hiện xét nghiệm 3 lần (ngày thứ nhất, ngày thứ 7 và ngày thứ 14 kể từ ngày về địa phương).
Nhóm thứ 4: Người đã tiêm vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 tại nước ngoài thì việc kiểm tra và công nhận giấy chứng nhận tiêm chủng, giấy xác nhận khỏi bệnh COVID-19 hoặc các giấy tờ tương đương khác của nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao.
Các cơ sở lao động thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2
Trong công văn mới, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương, bộ/ngành chỉ đạo các cơ sở lao động thực hiện nghiêm việc tự tổ chức xét nghiệm SARS-CoV-2 cho người lao động.
Theo đó, các cơ sở cần xét nghiệm khi người lao động có một trong các biểu hiện triệu chứng sốt, ho, mệt mỏi, đau họng, mất vị giác và khứu giác, khó thở... hoặc có yếu tố dịch tễ.
Cơ sở lao động cũng cần xét nghiệm khi bắt đầu tổ chức lại sản xuất; xét nghiệm ngẫu nhiên người lao động có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19.
Việc thực hiện xét nghiệm bằng phương pháp gộp mẫu khi xét nghiệm định kỳ, sàng lọc: test kháng nguyên nhanh (gộp 3-5) hoặc xét nghiệm RT-PCR (gộp 10-20).
Trên cơ sở tình hình thực tế của các cơ sở lao động trên địa bàn, các địa phương chủ động quyết định cụ thể theo từng cấp độ dịch về: tần suất, tỷ lệ xét nghiệm ngẫu nhiên cho người lao động có nguy cơ lây nhiễm cao; phương án tổ chức lưu trú tập trung, cách ly và tổ chức sản xuất khi có dịch tại cơ sở lao động.