Ung thư là một căn bệnh phức tạp, với nhiều loại ung thư khác nhau và nhiều yếu tố có thể góp phần vào sự phát triển của ung thư. Trong đó, cấu tạo di truyền đóng một vai trò nhất định trong việc hình thành bệnh ung thư. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố bên ngoài mà bạn có thể kiểm soát, như thói quen sống của bạn. Trên thực tế, nghiên cứu cho thấy có đến 80-90% các khối u ác tính có liên quan đến các yếu tố bên ngoài.
Một trong những yếu tố bên ngoài mà bạn cần kiểm soát đó là chế độ ăn uống. Lý do là bởi có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, một số thực phẩm có liên quan đến nguy cơ mắc ung thư cao hơn. Nó có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và béo phì, từ đó thúc đẩy hình thành các loại ung thư khác nhau. Dưới đây là top 7 những loại thực phẩm có nguy cơ hình thành bệnh ung thư mà bạn nên hạn chế sử dụng.
7 món trong mâm cơm kích thích tế bào ung thư hình thành
1. Thịt chế biến sẵn
Theo Healthline, thịt đã qua chế biến là bất kỳ loại thịt nào được bảo quản bằng cách hun khói, ướp muối, xử lý hoặc đóng hộp. Hầu hết các loại thịt đã qua chế biến là các loại thịt đỏ. Một số ví dụ về thịt đỏ đã qua chế biến bao gồm: xúc xích, lạp xưởng, thịt bò khô, thịt muối...
Nghiên cứu thuộc Khoa Hóa dược, Cao đẳng Dược, Đại học Minnesota (Mỹ) cho thấy, các phương pháp được sử dụng để chế biến các loại thịt có thể tạo ra chất gây ung thư. Ví dụ: Xử lý thịt bằng nitrit có thể tạo thành chất gây ung thư được gọi là hợp chất N-nitroso. Thịt hun khói cũng có thể dẫn đến hydrocacbon thơm đa vòng (PAHs) gây ung thư.
Theo một nghiên cứu vào năm 2019, thịt chế biến sẵn là một yếu tố nguy cơ chính gây ung thư đại trực tràng hoặc ung thư dạ dày.
2. Đồ chiên rán
Khi thực phẩm giàu tinh bột được nấu ở nhiệt độ cao, một hợp chất gọi là acrylamide được hình thành. Điều này có thể xảy ra trong quá trình chiên, nướng, quay và nướng.
Thực phẩm giàu tinh bột chiên đặc biệt chứa nhiều acrylamide. Điều này bao gồm các sản phẩm khoai tây chiên, khoai lang chiên...
Theo một đánh giá vào năm 2018, acrylamide được phát hiện là chất gây ung thư trong các nghiên cứu thực hiện trên chuột. Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) cũng đã xếp chúng vào danh sách "có thể gây ung thư cho con người". Acrylamide làm hỏng DNA và gây ra quá trình apoptosis, hoặc chết tế bào.
Ăn nhiều đồ chiên cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và béo phì. Những điều kiện này có thể thúc đẩy căng thẳng oxy hóa và viêm nhiễm, làm tăng thêm nguy cơ ung thư.
3. Thực phẩm nấu quá chín
Thực phẩm nấu quá chín, đặc biệt là các loại thịt, có thể tạo ra chất gây ung thư. Theo một nghiên cứu vào năm 2020, nấu thịt với nhiệt độ cao sẽ tạo ra PAHs và amin dị vòng (HCAs) gây ung thư. Những chất này có thể làm tăng nguy cơ ung thư bằng cách thay đổi DNA của các tế bào của bạn.
Các phương pháp nấu ăn khiến thực phẩm quá chín bao gồm: nướng thịt, áp chảo thịt, chiên thực phẩm...
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ cũng nói rằng nấu quá chín thực phẩm giàu tinh bột, như khoai tây, làm tăng sự hình thành acrylamide.
Để giảm nguy cơ nhiễm chất gây ung thư do nấu ăn ở nhiệt độ cao, hãy thử áp dụng các phương pháp nấu ăn lành mạnh hơn như: rang ở nhiệt độ thấp, nấu trong nồi sành hoặc nồi nấu chậm.
4. Thực phẩm nhiều đường và carbohydrate tinh chế
Thực phẩm có đường và carbs tinh chế có thể gián tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư. Ví dụ như đồ uống có đường, bánh nướng, bánh mì trắng, gạo trắng, ngũ cốc có đường...
Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường và tinh bột có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và béo phì. Theo một nghiên cứu năm 2020, cả tiểu đường lẫn béo phì đều có thể là nguyên nhân thúc đẩy quá trình viêm và căng thẳng oxy hóa - điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc một số loại ung thư.
Để hạn chế ảnh hưởng đến sức khỏe của carbohydrate tinh chế, hãy cố gắng thay đổi những thực phẩm này bằng những thực phẩm lành mạnh hơn như: bánh mì nguyên hạt, gạo lứt, yến mạch.
5. Soda ăn kiêng và đồ uống có ga
Đồ uống có đường như soda ăn kiêng và đồ uống có ga là những thứ gây tăng cân và không cung cấp dinh dưỡng cho bạn. Những thức uống này có chứa chất làm ngọt nhân tạo được phát hiện là có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Thay vì đồ uống có ga, hãy uống nước chanh, nước dừa, nước mía hoặc nước hoa quả tươi không đường để giảm nguy cơ phát triển ung thư.
6. Thịt đỏ
Một nghiên cứu được công bố bởi Nhà xuất bản Đại học Oxford, Anh năm 2007 cho biết thịt đỏ chứa một loại protein có khả năng làm tổn thương ruột người, đồng thời làm tăng nguy cơ ung thư ruột kết. Loại protein ấy là heme - thứ tạo màu đỏ của thịt, cũng chính là thứ có thể làm hỏng niêm mạc ruột của chúng ta.
Thịt đỏ được WHO xếp vào Nhóm 2A, nghĩa là nhóm "có thể gây ung thư cho con người".
Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo rằng, để giảm nguy cơ ung thư, bạn không nên ăn quá 65-100g thịt đỏ nấu chín mỗi tuần. Thay vào đó hãy ăn nhiều đậu, thịt trắng như cá, gà.
7. Cá muối
Ướp muối là một phương pháp truyền thống để bảo quản thực phẩm - đặc biệt là cá - thường được sử dụng ở các nước Đông Nam Á và Trung Quốc. Phương pháp bảo quản này tuy đem lại cảm giác ngon miệng nhưng đồng thời cũng thúc đẩy hình thành bệnh ung thư.
WHO xếp cá muối vào danh sách tác nhân gây ung thư Nhóm 1, giống như thịt đã qua chế biến. Thay vì ăn cá muối, bạn có thể thay thế bằng cá hay hải sản tươi sống như tôm, trai hoặc mực.