Chia sẻ với VNN, ca sĩ Siu Black cho biết đang điều trị suy thận do biến chứng bệnh tiểu đường, ngoài ra chị còn mắc nhiều bệnh như máu nhiễm mỡ, đau nhức xương khớp...
Được biết, chị phát hiện bệnh thận cách đây một tháng. Chị nói lúc ngủ dậy thấy chân sưng to, khó di chuyển nhưng chủ quan nên không đi khám.
Sau gần ba tuần, thấy chân đau không đỡ, chị nhờ quản lý đưa xuống TP HCM kiểm tra thì được chẩn đoán biến chứng bệnh thận do tiểu đường. Ngoài ra, các vấn đề khác như mỡ máu cao, thiếu muối... không cải thiện.
Khi tìm ra bệnh, Siu Black xin chuyển về một bệnh viện địa phương ở tỉnh Kon Tum để tiện theo dõi. Chị cho biết rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe nên uống thuốc, tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ.
Hiện tại, sức khỏe Siu Black tạm ổn, chân bớt sưng. Chị cho biết, ngoài uống thuốc trị tiểu đường và biến chứng bệnh thận, chị còn phải uống nước muối. Bác sĩ yêu cầu chị duy trì thói quen đi lại, tránh ngồi nhiều.
Biến chứng thận ở người bệnh tiểu đường là bệnh gì?
Bệnh thận đái tháo đường thuộc nhóm biến chứng mạch máu nhỏ, tổn thương chính nằm ở cầu thận (cầu thận là nơi mà máu được lọc qua để tạo thành nước tiểu; các chất được lọc qua cầu thận gồm nước, các chất diện giải như natri, kali, các chất thải trong quá trình chuyển hóa như urê, acid uric và một số thuốc. Chất đạm hoặc các chất có trọng khối phân tử lớn sẽ được giữ lại trong máu, bình thường không có đạm trong nước tiểu).
Bệnh thận đái tháo đường có các đặc điểm:
– Tiểu albumin liên tục (>300mg/ngày) xác định ít nhất 2 lần trong vòng 3-6 tháng
– Chức năng lọc của thận giảm dần
– Tăng huyết áp, có thể xuất hiện ở giai đoạn đầu (bệnh ĐTĐ type 2) hoặc trễ.
Ảnh minh họa
5 dấu hiệu cảnh báo biến chứng thận ở người bệnh tiểu đường
Biến chứng bệnh thận ở người bệnh tiểu đường là do đường huyết tăng cao kéo dài gây tổn thương hệ thống lọc của thận, dẫn đến suy giảm chức năng thận. Cùng với sự gia tăng tần suất mắc bệnh tiểu đường, biến chứng thận ngày một tăng lên và để lại hậu quả xấu nhất của bệnh tiểu đường, bao gồm:
Nước tiểu bất thường
Có bong bóng hoặc bọt trong nước tiểu, lượng nước tiểu nhiều hoặc ít hơn bình thường, có máu trong nước tiểu (thường chỉ nhìn thấy qua kính hiển vi).
Khó thở
Do ứ dịch tại phổi hoặc thiếu máu (thiếu hụt các tế bào hồng cầu vận chuyển oxy) sẽ gây cảm giác khó thở
Phù nề, ngứa da
Do bị giảm mức lọc cầu thận gây ứ nước, ứ muối trong cơ thể. Thường sẽ là phù toàn thân, từ mí mắt xuống bàn chân, da trắng nhạt và thường xuyên ngứa do sự tích tụ với nồng độ cao của các chất thải trong máu.
Thiếu máu
Thiếu máu rất khó hồi phục do thận không sản xuất đủ Erythropoietin (là một hormone thiết yếu để tạo hồng cầu từ mô dòng hồng cầu trong tủy xương). Thiếu máu khiến người bệnh thấy mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, mất tập trung và cảm giác ớn lạnh.
Ăn không ngon miệng
Do nồng độ ure trong máu cao (hội chứng ure huyết) sẽ khiến thức ăn có vị khác đi, làm mất đi cảm giác ngon miệng,hơi thở có mùi. Ngoài ra, do tích tụ quá nhiều các chất thải trong máu có thể gây nên tình trạng buồn nôn và nôn.
Cách phòng ngừa bệnh thận ở người bệnh tiểu đường
– Kiểm soát đường máu tốt HbA1c <7%.
– Kiểm soát huyết áp <130/80 mmHg.
– Kiểm soát lipid máu đạt mục tiêu điều trị.
– Tránh các thuốc gây độc thận như thuốc kháng viêm không steroid, kháng sinh nhóm aminoglycosides.
– Phát hiện sớm và điều trị đái tháo đường, nhất là những người có tiền sử gia đình bị đái tháo đường.